Cũng kể từ ngày đó, tất cả các phương tiện ra vào xóm đều được kiểm tra kỹ lưỡng để kiểm soát việc vận chuyển lợn ra, vào địa bàn. Ô tô ra vào địa bàn đều được phun thuốc tiệt trùng. Các chốt cắt cử người túc trực 24/24h với sự tham gia của 3 ban, ngành là thú y, quân sự và công an xã.
Anh Bùi Văn Bình, thành viên của chốt chặn trên Tỉnh lộ 545 qua xã Nghĩa Đồng cho biết, hàng ngày, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đường là rất lớn. Vì thế các kíp kiểm dịch gặp không ít khó khăn khi dừng xe phun thuốc tiệt trùng trong khi đó những ngày qua thời tiết luôn trong tình trạng nóng bức, nhiệt độ giữa trưa khoảng 35 - 360C.
Ông Cao Xuân Điến (cán bộ thú y xã Nghĩa Đồng), người chỉ huy kíp trực tại xóm 1 cho hay, những hộ chăn nuôi trong xóm cũng như các địa bàn lân cận rất quan tâm đến tình hình, diễn biến của dịch tả lợn châu Phi, nhưng họ cũng khá chủ động trong việc phòng, chống dịch. “Bà con ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nhưng không quá lo lắng", ông Điến cho biết thêm.
Ông Từ Mạnh Hùng có chuồng nuôi lợn ngay cạnh đường lớn qua xóm 1. Xung quanh chuồng trại đều được rắc vôi bột. Ông cho biết từ ngày xuất hiện ổ dịch trên địa bàn, cứ vài ba ngày gia đình lại phun thuốc, vệ sinh chuồng trại một lần. Ông cũng không cho bất kỳ ai tiếp cận khu chuồng trại, kể cả các phóng viên quay phim, chụp ảnh.
Ông Hùng cho hay bản thân đã có biện pháp đề phòng ngay từ khi trong tỉnh chưa xuất hiện ổ dịch nào. Không chờ cán bộ thu y cấp thuốc, ông đã tự bỏ tiền mua để sử dụng. “Mình phải chủ động bảo vệ lấy tài sản của mình. Cả nhà tôi chỉ trông chờ vào đàn lợn này", ông Hùng nói.
Cách đó không xa, bà Trương Thị Diệp cũng là một hộ chăn nuôi lợn từ hơn 20 năm nay cho biết gia đình hiện có 8 con lợn đã trên 80kg nhưng chưa thể xuất chuồng. “Chúng tôi không thể bán lợn ra ngoài vì đang trong thời gian cách ly dịch tả lợn châu Phi. Tôi cũng như các hộ chăn nuôi lợn trong xóm tin tưởng dịch bệnh sẽ hết và việc chăn nuôi sẽ trở lại bình thường", bà Diệp chia sẻ.