Trong 5 năm giải quyết việc làm cho 226.556 lao động
Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn năm 2015-2020, trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làmcho 226.556 người, đạt 101,43% so với kế hoạch đề án đề ra, trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 80.676 lao động, đạt 107% so với kế hoạch đề ra. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho hơn 38.000 lao động; trong đó, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hơn 14.000 người, giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh hơn 24.000 người.
Công tác giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động đúng hướng. Chất lượng lao động từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015 lên 61% năm 2020. Thị trường lao động chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần.
Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên, đảm bảo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.
Tỉnh đã có những chính sách, cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất, thành lập doanh nghiệp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nhiều khu công nghiệp; cụm công nghiệp; hoạt động kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch - văn hóa đã có bước phát triển khởi sắc tạo nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Tham luận tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng: Chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước nhất là trình độ tay nghề, ngoại ngữ lẫn thể lực, ý thức chấp hành kỷ luật, tác phong công nghiệp người lao động còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Tình trạng người lao động Việt Nam bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp hoặc hết hạn hợp đồng không về nước tăng dần tại một số thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản… đã ảnh hưởng đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nước chưa tiếp nhận lao động trở lại làm việc; một số thị trường có nhu cầu tuyển nhiều lao động, nhưng thu nhập thấp nên không thu hút được người lao động.
Chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật lao động
Quản lý nhà nước về ATVSLĐ được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Công tác thông tin tuyên truyền được triển khai với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, cụ thể hơn; chất lượng và số lượng các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng lên, số đơn vị, doanh nghiệp bị xử lý vi phạm hành chính tăng và có tính răn đe hơn.
Ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATVSLĐ của doanh nghiệp, người dân được nâng lên. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư về ATVSLĐ trong sản xuất, kinh doanh, trong số đó có nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ hơn tác động của công tác ATVSLĐ đến năng suất, chất lượng sản phẩm nên đã quan tâm tới việc xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn nơi làm việc.
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có giảm đáng kể, hạn chế được tổn thất về sức khỏe, tính mạng của người lao động và tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, theo thống kê, báo cáo từ các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, giai đoạn 2018 - 2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 68 vụ tai nạn lao động làm 73 người bị nạn, trong đó có 18 người chết, 33 người bị thương nặng.
Các vụ TNLĐ chủ yếu xảy ra ở các ngành, nghề có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại như khai thác, chế biến khoáng sản (5 vụ, làm chết 05 người, 01 người bị thương nặng), xây dựng, điện, sản xuất công nghiệp (39 vụ, làm chết 07 người, bị thương nặng 32 người).
Tại hội nghị các đại biểu thống nhất với mục tiêu: Trung bình hàng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người; hàng năm tăng thêm 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý ATVSLĐ, bước đầu xây dựng văn hóa an toàn trong lao động; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý đúng quy định pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Đình Long nhấn mạnh: Trong 2 năm qua tuy chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định về giải quyết việc làm và an toàn vệ sinh lao động nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác này. Một số chỉ tiêu chưa đạt.
Một trong những nguyên nhân đó chính là việc chấp hành kỷ luật lao động của người Nghệ An chưa cao. Tay nghề lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp lớn. Một số lao động khi ra làm việc ở nước ngoài còn bỏ ra ngoài định cư bất hợp pháp. Một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa với lợi ích về công tác GQVL - ATVSLĐ mang lại nên việc chỉ đạo chưa thường xuyên, chưa quyết liệt. Do đó, kết quả đưa người lao động ra nước ngoài vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của người lao động trên địa bàn.
Bên cạnh đó, việc chấp hành về ATVSLĐ của một số doanh nghiệp chưa tốt. Còn nhiều doanh nghiệp nhà máy sử dụng máy móc lạc hậu, cơ sở vật chất xuống cấp; nhiều nơi chưa chú trọng đến vệ sinh sức khỏe của công nhân.
Bên cạnh đó, sở, ngành liên quan, các địa phương từ cấp xã, huyện, thành thị cần tăng cường thanh, kiểm tra về công tác ATVSLĐ. Xử lý nghiêm về những vi phạm về ATVSLĐ, những cơ sở để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng.