Vốn là người chuyên làm dịch vụ buôn bán nhưng thấy liên tục nhiều năm bí xanh được mùa được giá, vụ xuân năm nay, chị Trần Thị Hà ở Thôn Lĩnh Hồng, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương tranh thủ thời gian làm 3 sào bí. Nhờ trồng trỉa chăm sóc cẩn thận và thời tiết thuận lợi nên bí rất được mùa. Nhưng niềm vui không trọn vẹn khi đến thời điểm thu hoạch bí không bán được.
Lần nhặt từng quả bí sắp đặt cẩn thận vào trong nhà kho, chị Hà ngậm ngùi: "Lần đầu tiên trồng bí lại rớt giá thảm hại, thôi đành cất giữ vậy, nếu bị hỏng cũng phải chấp nhận".
Lĩnh Hồng là làng thuần nông của xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, nằm cạnh sông Lam. Hiện cả xóm có khoảng 30 hộ dân chuyên độc canh cây bí trên diện tích khoảng 3 ha. Mỗi năm trồng 4 vụ, từng cho thu nhập ổn định khoảng từ 500 - 600 triệu đồng/ha. Đã có lúc giá bí đạt đỉnh 16.000 đồng/kg, lúc thấp nhất cũng đạt 4.000 đồng/kg, nhưng nay 2.000 đồng/kg cũng không bán được.
Cũng như chị Hà, những ngày này, ông Bùi Văn Thụ - người có nhiều năm trồng bí thành công cũng ra ngẩn vào ngơ bên ruộng bí. Ông cho biết là trước đây người mua bí rất nhiều, thậm chí người bán có quyền chọn lựa việc bán cho thương lái nào nhưng nay tất cả các mối từ Đô Lương, Vinh và ngoài Bắc đều từ chối. Riêng các đại lý ở Nam Định cho biết là hiện tại bí ở miền Bắc rất nhiều nhưng cũng xuống giá, vì vậy rất khó tiêu thụ cho các địa bàn ở xa.
Để hạn chế một phần thiệt hại, người dân đã tiến hành thu hoạch nhỏ giọt đưa đi các chợ trong vùng tiêu thụ nhưng số lượng rất hạn chế. Bí đến kỳ phải thu hoạch, người dân đã tiến hành thu gom, biến nhà ở thành kho cất giữ chờ giá lên. Hiện tại có trên 20 hộ gia đình ở đây đang cất giữ từ 3 - 6 tấn bí/hộ.
Chị Nguyễn Thị Hòa ở Thôn Lĩnh Hồng trồng 3 sào được 7 tấn nhưng cũng đang bí đầu ra, phải dành hẳn một gian nhà để cất giữ bí. Chị cho biết, phương pháp này chị học được của các đại lý ở miền Nam nên hướng dẫn mọi người làm theo. Còn theo những chủ đại lý rau, củ quả ở trên địa bàn, họ chưa bao giờ cất một lượng bí lớn, dài ngày nên không dám khẳng định là an toàn.
Trước tình trạng bí xanh rớt giá, các cấp hội nông dân, phụ nữ trên địa bàn đã tập trung kêu gọi hội viên và mọi người "giải cứu" nhưng số lượng không đáng kể. Ngành giáo dục cũng đã đề nghị các trường bán trú thu mua bí cho bà con nhưng năm học sắp kết thúc, các nhà trường cũng không duy trì việc ăn ở cho học sinh nên khó khăn đang chồng chất khó khăn./.