Tại sông Cầu Bà đoạn chảy qua xã Diễn Thái (Diễn Châu), bèo tây phủ lấp cả mặt sông mà chẳng thấy ai vớt hay nạo vét khơi thông lòng sông. Một số bà con ở xóm 8 xã Diễn Thái cho biết: “Bèo tây bịt chặt khắp mặt sông, cá, tôm không sống nổi, thuyền bè cũng không thể di chuyển trên sông. Sinh kế của chúng tôi đang mất dần do loài bèo tây này".
Mấy năm trở lại nay, bèo tây đã biến dòng sông này thành dòng “sông chết”, nguồn nước ứ đọng chuyển sang màu đen ngòm, bốc mùi hôi, chưa kể là rác thải, túi nilon, xác chết động vật quăng xuống sông gây ô nhiễm nặng nề cho các hộ dân sinh sống ở 2 bên bờ sông. Điều đáng nói là những năm qua, chính quyền xã Diễn Thái chưa thực sự chưa quan tâm, huy động, nhân lực trục vớt bèo tây thông thoáng lòng kênh.
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Địa bàn huyện Diễn Châu hiện có nhiều tuyến sông và kênh mương bị bèo tây phủ kín gồm, kênh Nhà Lê, kênh Vách Nam, Kênh Đô Liên, sông Cầu Bà… Để giải quyết tình trạng này, hàng năm huyện Diễn Châu đã hỗ trợ các địa phương từ 300 - 400 triệu đồng để vơ dọn bèo tây.
Số tiền trên chủ yếu các xã thuê máy xúc để vơ dọn bèo tây, các xã kết hợp cùng với các đoàn thanh niên, hội phụ nữ… lao động thủ công vơ dọn bèo.
Ngay từ đầu mùa mưa lũ năm nay, Diễn Châu đã tập trung huy động lực lượng nạo vét được trên 30.000 m3 bùn và bèo tây ở các xã Diễn Liên, Diễn Đoài, Diễn Hoàng …
Vấn đề xử lý bèo tây triệt để rất khó khăn, vì bèo tây đẻ nhanh, trong khi huy động lực lượng thủ công xử lý bèo tây còn hạn chế …
Địa bàn huyện Yên Thành cũng đang nóng lên tình trạng các hệ tiêu chính bị phủ kín bèo tây. Có thể dễ dàng bắt gặp cảnh các trục tiêu lớn như hệ thống sông Bùng, sông Hàn, Rộc Cảnh xã Nhân Thành, Yên Thành cùng rất nhiều kênh nhỏ bị bèo tây “xâm lấn”.
Ông Nguyễn Sĩ Tùng - Chủ tịch UBND xã Nhân Thành cho biết: Vào mùa mưa lũ, bèo tây làm tắc nghẽn hầu hết hệ thống tiêu và các nhánh sông có chiều dài trên 20 km, khiến việc tiêu thoát nước chậm, gây ngập lụt cục bộ ở các xóm ven sông, nhiều diện tích lúa hè thu ngập úng …
Trước thực trạng trên, ngay từ đầu mùa mưa lũ, xã Nhân Thành huy động trên 4.000 lao động địa phương tổ chức ra quân trục vớt bèo tây; đến thời điểm này đã trục vớt được trên 80.000 m2. Khó khăn trong việc trục vớt là do sông bùn sâu, rộng, máy xúc không thể vào được nên chủ yếu phải trục vớt bèo tây bằng thủ công.
Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành chia sẻ: Hệ thống tiêu úng của Yên Thành bao gồm hệ thống kênh tiêu Vách Nam, Vách Bắc, Bàu Chèn, Biên Hòa, Trung - Long…hiện nay hầu hết bèo tây phủ kín. Từ đầu tháng 7/2021, UBND huyện Yên Thành đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng để trục vớt bèo tây, đồng thời huyện trích ngân sách hỗ trợ trên 300 triệu đồng cho các xã trọng điểm để trục vớt.
Hệ thống kênh tiêu Vũ Giang dài hơn 12 km, tiêu thoát lũ cho các xã Công Thành, Mỹ Thành, Đại Thành, Liên Thành, Khánh Thành; Hiện nay các xã nằm dọc dòng sông đã trục vớt trên 300.000 m2 bèo tây.
Qua khảo sát, Nghệ An hiện đang có rất nhiều dòng sông, các tuyến kênh tiêu trọng yếu đang bị bèo tây "bức tử", gây ra nhiều hệ lụy. Theo các nhà chuyên môn, giải pháp để giảm thiểu tác hại do bèo tây gây ra, có thể dùng bèo tây để sản xuất khí sinh học (biogas) và sản xuất phân hữu cơ (compost): Bèo tây còn gọi là bèo lục bình là sản phẩm sinh học có sinh khối lớn.
Ở một số nơi bèo tây được dùng làm nguyên liệu hoặc phối trộn chất thải từ chăn nuôi cho công nghệ ủ hầm biogas tạo ra sản phẩm để sử dụng trong sinh hoạt, tiết kiệm chi phí chất đốt,...