Theo thống kê của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị từ nửa tháng trở lại đây tăng lên 1,5 lần so với trước. Mỗi ngày tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận khoảng 1.000 -1.200 bệnh nhân.

Đa số bệnh nhân nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa. Đặc biệt, bệnh ho gà, tay chân miệng, sốt phát ban, thủy đậu tăng đáng kể.

bna_image_7757620_1642018.jpgKhám cho bệnh nhân bị bệnh ho gà tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Thu Hiền

Từ 1/1/2018 đến 14/4/2018 số bệnh nhân bị bệnh ho gà đến khám và điều trị tại bệnh viện là 29 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân hiện đang điều trị tại khoa bệnh Nhiệt đới là 7. Số bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị từ ngày 1/1 đến nay là 65 bệnh nhân, trong hai tuần gần đây là 26 bệnh nhân, hiện tại đang điều trị là 6 bệnh nhân.

Chị Đậu Thị Hoa (xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu), mẹ của bé Lê Đôn Trung Dũng cho biết: Cháu bị ho nhiều, ho chủ yếu là về sáng, sốt nhẹ, quấy khóc, ăn kém, điều trị tại bệnh viện huyện đã gần 2 tuần nhưng không đỡ, nên xin chuyển bé đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và nhập viện hôm 12/4 thì được các bác sĩ chẩn đoán là cháu bị bệnh ho gà. Trước đây, cháu có tiêm phòng vắc xin nhưng chưa đủ liều.

Bác sĩ Võ Mạnh Hùng - Phó trưởng Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Vào thời điểm giao mùa, mỗi sự thay đổi về độ ẩm, nhiệt độ, môi trường đều ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Hiện, bệnh ho gà và tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng, trong đó có nhiều ca nặng, phải điều trị nội trú dài ngày.

Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn ho gà (Bordetella pertusis) gây ra, vi khuẩn này lây theo đường hô hấp, nếu không chữa trị kịp thời, người bệnh có thể bị thiếu oxy dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu oxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Khi trẻ có các triệu chứng như: sốt, ho khan, ho kéo dài nhất là cơn ho về sáng, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị, tránh các biến chứng không đáng có.

Tại Khoa bệnh Nhiệt đới đang có khá nhiều trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị. Ảnh: Thu Hiền

Các bà mẹ nên đưa trẻ nhỏ đi tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván -DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b đầy đủ, đúng lịch tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn và các điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố...

Đồng thời, các bậc phụ huynh, giáo viên nhà trường cần thường xuyên quan tâm giữ gìn vệ sinh cho trẻ./.