Những cái chết oan uổng

Trong tháng 10 -11/2018, huyện Quỳ Châu có 2 người tử vong vì bệnh dại. Đó là bà V.T.X (60 tuổi, ở xã Châu Nga, tử vong ngày 7/11) và ông L.V.T (62 tuổi, ở xã Châu Thắng, tử vong ngày 22/10). 

Cả 2 nạn nhân phơi nhiễm do bị chó ốm bệnh cắn (Hai con chó đều chưa được tiêm phòng); không xử lý vết thương tại chỗ, cũng như không đi tiêm phòng do suy nghĩ chủ quan con chó cắn mình không mắc dại. Thời gian ủ bệnh là 3 tháng...khi phát hiện thì quá muộn để cứu chữa.

Không riêng gì ở Quỳ Châu, từ đầu năm đến nay, bệnh dại đã gieo rắc cái chết tại nhiều địa phương trong tỉnh. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, ngoài 2 trường hợp ở Quỳ Châu, trước đó còn có 6 trường hợp khác tử vong do bệnh dại. 

bna_image_7379709_4122018.jpgĐoàn công tác sở y tế nắm bắt tình hình bệnh dại tại gia đình các nạn nhân ở huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thành Chung

Cá biệt, huyện Nghi Lộc có tới 4 người tử vong do bệnh dại. Những nạn nhân ở Nghi Lộc bao gồm: D.T.V (xã Nghi Phong, tử vong ngày 15/1), N.T.T (xã Nghi Thiết, tử vong ngày 27/7), N.H.H (xã Nghi Kiều, tử vong ngày 28/7) và T.N.N (xã Nghi Trường, tử vong ngày 14/9).

Những cái chết vì bệnh dại luôn oan uổng và đau đớn khôn cùng. Nỗi ân hận mãi giằng xé người ở lại. Anh T.T.T - bố nạn nhân T.N.N day dứt: “Cháu nó học lớp 2. Gia đình không biết cháu bị chó cắn từ bao giờ. Người phát hiện triệu chứng bệnh của cháu là cô giáo ở lớp...Đau đớn và ân hận lắm vì chưa quan tâm nhiều đến con”.

Chung tâm trạng, anh Nguyễn Văn Tuấn (43 tuổi, chồng nạn nhân N.T.T) kể: “T phát bệnh dại sau khi bị chó cắn khoảng 1 năm. Khi bị cắn, T có lên trạm y tế để khâu vết thương 5 mũi nhưng lại không đi tiêm phòng mà cùng gia đình nuôi chó ra lấy thuốc nam uống của một thầy lang ở huyện Diễn Châu... Lúc T bị chó cắn, tôi còn nạt vì sang nhà hàng xóm giữa trưa; lại thiếu kiên quyết bắt đi tiêm phòng”.

Ông Võ Văn Thắng, Quyền Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Lộc cho biết: Cả 4 trường hợp tử vong do bệnh dại ở huyện đều bị những con chó chưa được tiêm phòng dại cắn và cả 4 bệnh nhân sau khi bị chó cắn đều không tiêm phòng dại. ¾ trường hợp sử dụng thuốc Nam để chữa trị mặc dù đã được nhân viên y tế tuyên truyền.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Bệnh dại đã và đang gây ra nỗi đau khắp nơi, kéo dài dai dẳng nhiều năm. Từ năm 2008 đến nay, Nghệ An đã có trên 62 người tử vong do bệnh dại. 

Căn nguyên khiến bệnh dại gây tử vong lớn ở tỉnh là: Mầm bệnh dại đang lưu hành từ nhiều hướng. Trong khi đó nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, không đi tiêm phòng mà điều trị bằng thuốc nam - không có khả năng phòng, chữa bệnh dại. Tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo đạt thấp.

Nhìn từ căn nguyên bệnh, rõ ràng trách nhiệm để xảy ra những trường hợp tử vong thuộc về nạn nhân, gia đình, người dân, chính quyền địa phương và ngành y tế...

Tiêm phòng cho chó, mèo là cách thức hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại. Ảnh tư liệu minh họa
Trách nhiệm của gia đình thể hiện ở sự quan tâm đối với nạn nhân, ở nhận thức về bệnh.  Tỷ lệ lớn trẻ em bị chó, mèo cắn nhưng giấu giếm, người già bị cắn không đến hoặc có đến được tư vấn nhưng không tiêm; một số trường hợp là người nghèo bị chó mèo cắn không tiêm vắc xin phòng dại (sợ tốn kém, 5 mũi tiêm phòng dại có giá trên 1 triệu đồng) mà điều trị bằng thuốc nam.

Theo điều tra về bệnh dại, 480/480 xã phường trong tỉnh có hộ nuôi chó, mèo. Trách nhiệm của người dân nằm ở chỗ: Nuôi chó mèo nhưng lại thả rông không thực hiện tiêm phòng cho chó mèo; thiếu hợp tác với cơ quan thú y để tiêm phòng dại...

Được biết, trước khi cháu T.N.N mất, ở xóm 10, xã Nghi Trường chỉ có 36 hộ nuôi chó có tiêm phòng cho chó (chiếm tỷ lệ 1/3 số hộ nuôi chó). Trên bình diện cả tỉnh, tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo hàng năm mới đạt khoảng 18%. Trong khi đó muốn loại trừ được mầm bệnh dại, tỷ lệ tiêm phòng bắt buộc phải đạt trên 70% liên tục trong nhiều năm.

Để ngăn chặn bệnh dại, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 708 ngày 29/11/2017 về Thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2021. Kế hoạch nêu rõ: trách nhiệm chủ nuôi chó phải đăng ký việc nuôi với UBND cấp xã; khai báo việc nuôi với tổ trưởng dân phố/ xóm trưởng/trưởng bản đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình; khi đưa ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó. 

Ngoài ra, người nuôi chó bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo và thanh toán các khoản chi phí tiêm phòng.

UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ kinh phí tiêm phòng cho đối tượng người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao. Bên cạnh thống kê cụ thể số lượng vật nuôi, tuyên truyền, vận động người dân đưa vật nuôi đi tiêm phòng, tỉnh Nghệ An đưa chỉ tiêu kết quả phòng, chống bệnh dại vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của UBND cấp xã. Năm 2018, UBND tỉnh đã cấp 1,250 tỷ đồng để triển khai kế hoạch này...Tuy nhiên, với thực tế hàng năm số người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng dại là rất lớn. (Chỉ tính riêng tại phòng tiêm của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, mỗi năm tại đây tiêm phòng dại cho hơn 7.000 người) thì rõ ràng việc phòng chống bệnh dại đến nay vẫn chưa được chính quyền cơ sở và người dân quan tâm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn có hàng chục thầy lang vườn đang ngày đêm “giết người” bằng cách phòng, điều trị bệnh dại cho người bị chó, mèo cắn bằng thuốc nam. Y học hiện đại và y học cổ truyền đều khẳng định: “Chỉ có tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại mới có thể điều trị được bệnh dại”.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế nêu rõ: Sau những vụ việc tử vong đáng tiếc do bệnh dại gây ra, ngành y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 03, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở hành nghề y dược không phép, đặc biệt là những người điều trị, phòng dại bằng thuốc Nam; cũng như có tham mưu để người nghèo, cận nghèo khi tiêm phòng dại được hỗ trợ phần nào kinh phí...