Điều chỉnh phù hợp với điều kiện mới
Trước đó, sau hơn 4 năm thực hiện, Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đìnhtrên địa bàn tỉnh Nghệ An có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016 đã có nhiều tác động tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 170 cũng đã bộc lộ những bất cập, khi mà một số quy định về chính sách khuyến khích, khen thưởng và xử lý vi phạm chính sách dân số không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và thẩm quyền ban hành văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản năm 2015, Luật Ngân sách năm 2015.
Chẳng hạn, chính sách khuyến khích, khen thưởng cá nhân “những người trong độ tuổi sinh đẻ đã có từ 1 - 2 con trở lên tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai triệt sản, ngoài các chế độ, chính sách được hưởng theo quy định của Trung ương, thì mỗi trường hợp triệt sản được bồi dưỡng 5 triệu đồng (đối với nam) và 3 triệu đồng (đối với nữ). Quy định này chỉ phù hợp từ năm 2018 trở về trước khi Bộ Y tế thường giao chỉ tiêu, nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện biện pháp triệt sản cho người dân.
Hay, chính sách khuyến khích, khen thưởng cá nhân "những người thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình và trong 1 năm vận động được 10 cặp vợ chồng (trong phạm vi một khối, xóm, thôn, bản) thực hiện các biện pháp tránh thai (đình sản; đặt vòng) được thưởng 1.000.000 đồng và nếu trên 10 cặp, cứ thêm 5 cặp thì được thưởng thêm 500.000 đồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình” cũng không còn phù hợp với thực tiễn.
Thực tế cũng cho thấy, Nghị quyết số 170 ra đời khi nhiệm vụ chính của công tác dân số là dân số - KHHGĐ. Tuy vậy, hiện khi công tác dân số đã chuyển trọng tâm công tác dân số từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề về: Quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số thì việc triển khai các chính sách cũng cần phải thay đổi.
Hiện nay, công tác dân số ở Nghệ An đang phải đối diện với nhiều thách thức và khó khăn cần được quan tâm giải quyết như: Mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang còn rất cao; số con trung bình của mỗi phụ nữ là 2,76 con và là tỉnh có mức sinh cao thứ 2 cả nước. Với mức giảm sinh như hiện nay, dự báo đến năm 2030 Nghệ An mới đạt mức sinh thay thế, và chậm hơn cả nước 25 năm về giảm sinh.
Ngoài ra, Nghệ An đang phải đối diện với tình trạng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi ở mức cao với 114 bé trai/100 bé gái (trong khi cả cả nước 112 bé trai /100 bé gái), tình trạng già hóa dân số xuất hiện; chất lượng dân số tuy đã được nâng lên song vẫn còn thấp, nhất là ở vùng xa, nông thôn, ven biển.
Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho rằng: “Với tình hình hiện nay, công tác dân số Nghệ An đang phải thực hiện song song hai nhiệm vụ. Đó là giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số. Trong khi đó, hiện nay kinh phí Chương trình Mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGĐ không được bố trí; Chương trình mục tiêu Y tế, Dân số với nguồn lực thấp hơn... Ngoài ra, chính sách về dân số có nhiều thay đổi nên không thể hành chính hóa trong công tác dân số, càng không thể áp dụng các chế tài xử lý vi phạm như trước đây”.
Thuận lợi và khó khăn
Thị xã Thái Hòa là một trong những địa bàn khó khăn trong quá trình thực hiện công tác dân số. Tuy nhiên, năm 2020, một số chỉ số của thị xã thấp hơn so với cả tỉnh. Trong đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 dù tăng nhưng chỉ tăng nhẹ với tỷ lệ 18,8% (trong khi đó của tỉnh là 28,1%).
Theo bà Phùng Thị Thanh - Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế thị xã Thái Hòa: “Những năm qua, ngoài chính sách dân số của tỉnh thì thị xã cũng đã ban hành một số chính sách riêng nhằm động viên, khuyến khích xã, phường và các khối, xóm hoặc một số cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số. Cá nhân tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi các cơ chế xử phạt về vi phạm chính sách dân số đang ngày bị nới lỏng thì việc HĐND tỉnh kịp thời ban hành một số chính sách mới là rất phù hợp và sẽ tạo cơ chế thuận lợi cho cơ sở hoạt động”.
Trên địa bàn huyện Diễn Châu, những năm qua, chính sách dân số cũng đã góp phần quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác dân số trên địa bàn. Đặc biệt, Diễn Châu là một trong những địa phương sớm ban hành chính sách riêng, trong đó đặt ra mức khen thưởng 100 triệu đồng/xã, phường không có người sinh con thứ 3 trở lên. Trong bối cảnh hiện nay, ở tuyến huyện sau khi ngành Dân số sáp nhập vào y tế và ở các xã, thị, các khối xóm đã sáp nhập từ 532 khối, xóm giảm xuống 288 khối, xóm thì công tác dân số chắc chắn sẽ khó khăn hơn.
Vì thế, việc HĐND tỉnh điều chỉnh một số chính sách mới để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới được bà Trần Thị Lương - Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu khẳng định là “rất thiết thực” bởi lẽ: “Trước đây, chính sách dân số chủ yếu chỉ quan tâm đến các đơn vị không sinh con thứ 3. Tuy nhiên, chính sách mới đã mở rộng đối tượng, mở rộng lĩnh vực khen thưởng như ngoài giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đặc biệt, Nghị quyết số 15 có đề cập một số chính sách khuyến khích nhằm nâng cao chất lượng dân số như hỗ trợ trẻ sơ sinh ở địa bàn vùng đặc biệt kinh tế khó khăn được hỗ trợ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, khen thưởng các xã, phường có tỷ lệ nam nữ thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn và các đơn vị có tỷ lệ người cao tuổi có thẻ BHYT được khám, kiểm tra định kỳ thường xuyên là rất thiết thực. Hy vọng, điều này sẽ tạo chuyển biến lớn trong công tác dân số ở cơ sở, nâng cao ý thức đối với người dân trong việc thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dân số”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì chính sách mới cũng đòi hỏi công tác dân số trong thời gian tới phải có nhiều sự điều chỉnh và ít nhiều dẫn đến xáo trộn, như với quy định từ năm 2021 cộng tác viên dân số sẽ kiêm nhiệm thêm công tác y tế thôn bản.
Thực tế, đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi lâu nay những người làm cộng tác viên dân số đều là những người đã quen việc, có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết. Trong khi đó, nếu thay thế đội ngũ này bằng lực lượng cộng tác viên y tế thôn, bản sẽ dẫn đến những bất cập. Đáng lo ngại nhất là khi hiện nay đội ngũ cộng tác viên y tế đa phần đều đã nhiều tuổi, chủ yếu là nam giới và chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động.
“Tôi cho rằng, chính sách dân số vừa thông qua sẽ tác động đến công tác dân số tỉnh nhà trong thời gian tới. Riêng về đội ngũ cộng tác viên khi chuyển sang cho đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản sẽ dẫn đến những khó khăn nhất định. Do đó, trong thời gian tới nhiệm vụ trước mắt là phải sắp xếp lại đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở và ngành sẽ sớm có những giải pháp để bồi dưỡng, nâng cao năng lực nhiệm vụ để đội ngũ cộng tác viên mới có thể đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đã đề ra”.