Sáng 13/4, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về Dự thảo đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2025. Tham dự có đại diện các sở, ngành liên quan. Ảnh: Việt Phương Đề án đề xuất tầm nhìn, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của các lĩnh vực trong quá trình xây dựng đô thị thông minh Nghệ An. Theo đó, Nghệ An xây dựng đô thị thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến năm 2025 thành phố Vinh cơ bản trở thành đô thị thông minh hiện đại.
Đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông báo cáo đề án. Ảnh: Việt Phương Đề án cũng đề xuất mục tiêu cụ thể và các kết quả mang lại khi triển khai đô thị thông minh cho các lĩnh vực: chính quyền điện tử, nông nghiệp, du lịch, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế, giao thông, tài nguyên môi trường.
Xây dựng đô thị thông minh gồm các giải pháp về công nghệ đồng bộ với các lĩnh vực khác như phát triển văn hóa, con người, kinh tế xã hội… của từng địa phương. Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc chung trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam, đề án còn đề xuất các giải pháp trong việc tiếp cận và thực hiện xây dựng đô thị thông minh theo thực tiễn địa phương.
Đồng chí Phan Nguyên Hào - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông trình bày quá trình xây dựng khảo sát hiện trạng tại các sở, ngành. Ảnh: Việt Phương Tuy nhiên, đây là đề án mới cả về tên gọi, xây dựng nên đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Phát biểu tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ khái niệm, phạm vi, quy mô, đối tượng tương tác. Để thực hiện cần đặt vấn đề con người làm trung tâm, xuyên suốt; đề án phải quan tâm các lợi thế, đặc thù của tỉnh.
Đại diện Sở Xây dựng cho rằng, đề án phải có những giải pháp cụ thể để giải quyết 5 nhiệm vụ khi xây dựng 1 đô thị thông minh, đó là: cơ chế quản lý, hạ tầng công nghệ thông tin, cộng đồng dân cư, môi trường và chỉ nên tập trung vấn đề của đô thị, không nên đưa mảng nông nghiệp vào đề án.
Ngoài ra, cần phân kỳ thực hiện, có dự trù kinh phí, nguồn kinh phí thực hiện.
Một góc thành phố Vinh. Ảnh tư liệu Khẳng định tính cần thiết của đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa cho rằng, đô thị thông minh là xu hướng tất yếu, thực hiện tốt đề án sẽ tạo điều kiện để thu hút đầu tư, du lịch... phát triển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để đề án có tính khả thi, cần tích hợp đồng bộ các đề án về công nghệ thông tin... đã có, lựa chọn một số địa điểm để triển khai thí điểm dự án theo đặc thù của địa phương. Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Thái Hòa, Hoàng Mai, Nam Đàn cần đi tiên phong trong vấn đề này.
Cơ quan chủ trì đề tài là Bưu chính viễn thông cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện đề án, trình các sở, ngành liên quan xem xét./.