bna__loc_biet_dan_luoi_tu_khi_hoc_lop_6_anh_nguyen_quynh261663_1512018.jpgVũ Đại Lộc, xóm Đông Lộc (Diễn Ngọc, Diễn Châu) (ngoài cùng bên trái) bỏ dở đại học về quê lập nghiệp. Ảnh: Nguyễn Quỳnh.
Lộc sinh năm 1994, là con đầu trong một gia đình có 5 anh em. Nhà Lộc có truyền thống đi biển, hiện đang có 1 đôi tàu giã cào công suất nhỏ. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lộc thi đậu vào Khoa Luật, Trường Đại học Vinh. Theo học tại đây được 2 năm, dẫu còn rất quyến luyến, nhưng do hoàn cảnh gia đình không khá giả, nhìn một “đàn” em nheo nhóc đang ăn học và thêm vào đó là đam mê với nghề, Lộc quyết định bỏ trường, quay trở về làng.

Thấy con bỏ học, ông Vũ Văn Hợi (bố Lộc) ban đầu cũng "sốc" bởi mọi hy vọng cả gia đình dồn hết vào cậu con trai cả, mong sau này học xong ra trường thoát ly khỏi cảnh đi biển đầy gian truân. Nhưng ông Hợi cũng không cản con, ngược lại còn ủng hộ khi con trình bày lý do bỏ học về quê khởi nghiệp.

Vốn biết chút ít kỹ thuật sửa lưới đã được học từ bố nên cũng tự tin. Lộc kể, năm lớp 6 em đã học bố ngồi tập vá lưới, đến năm lớp 11 em có thể tự làm hoàn thiện một cái lưới như bây giờ, nhiều bạn còn trêu em là như ông cụ non, vì vốn dĩ nghề này chỉ dành cho những người lớn tuổi trong làng.

Ban đầu, Lộc quyết định nhận lưới rách, lưới hỏng của ngư dân về sửa lại. Sau khi nhờ bố mẹ vay mượn được 100 triệu đồng để mua sắm dụng cụ và vật liệu, Lộc bỏ thời gian đi gõ cửa từng chủ tàu trong làng đặt vấn đề nếu ai có lưới hư hỏng thì mình nhận sửa lại. Qua tay Lộc, những tấm lưới rách nát được vá lại chắc chắn, những tấm lưới đánh dở được sửa lại “đánh hay” hơn. Thế là ngư dân tìm đến ngày một nhiều.

Cơ sở sản xuất của Vũ Đại Lộc giải quyết việc làm cho 10 lao động. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Tôi thắc mắc không hiểu lưới “đánh hay” nghĩa là gì. Lộc giải thích rằng, ngư dân khi mua lưới mới về, vì mua ở nhiều nơi, của nhiều thợ đan lưới khác nhau nên có cái đánh được nhiều cá, có cái lại đánh không được. Vì thế họ mang đến nhờ mình chỉnh sửa lại. Khi sửa, phải xem xét kỹ, để điều chỉnh thêm phao, thêm bóng, đan thêm mắt lưới, để khi xuống biển đánh cá được hiệu quả. Nếu lưới nào đánh được nhiều cá, cá không thoát ra được, thì được xem là lưới “đánh hay”.
Sau một thời gian đầu gây dựng được thương hiệu của mình, để đáp ứng nhu cầu công việc ngày một nhiều, ngoài việc tự bản thân mình ngồi đan lưới, Lộc còn thuê thêm 10 người trong làng đến làm việc tại xưởng. Để tăng giá trị sản xuất, ngoài sửa lưới, Lộc mạnh dạn bỏ tiền mua cước, dây, phao… về tự đan thành tấm lưới mới.

Các loại vật liệu để đan lưới được Lộc ra tận Nam Định mua về để giảm chi phí trung gian. Lưới sau khi mua về thì được đan từng tấm lại với nhau, sau đó buộc dây, buộc phao, bóng, chì để thành một tấm lưới hoàn chỉnh. Trung bình mỗi tấm lưới dài hơn 100m được đan trong vòng 4 ngày, mỗi tháng đan được khoảng 7-8 tấm. Tùy từng loại lưới mà có mắt to, nhỏ khác nhau, nhưng bình quân mỗi tấm lưới sau khi hoàn thành có giá khoảng 48-50 triệu đồng.

Vũ Đại Lộc (ngoài cùng bên trái) trao đổi với cán bộ Tỉnh đoàn Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Hỏi sau 3 năm khởi nghiệp đã thu lại lợi nhuận bao nhiêu, Lộc chỉ cười rằng mới chỉ tính được chi phí bỏ ra chứ chưa tính lời lãi được thế nào. Vì cứ làm được bao nhiêu lại bỏ ra quay vòng mua vật liệu, mở rộng sản xuất. Sơ sơ chi phí mua vật liệu, thiết bị trong chừng ấy năm đã hơn 1 tỷ đồng, chưa kể tiền công cho thợ mỗi ngày từ 200-250 nghìn đồng/người.

Lộc dù đang trong quá trình khởi nghiệp, nhưng cũng rất có trách nhiệm với địa phương, mới đây em đã trích thu nhập của mình ủng hộ 30 triệu đồng làm đường nông thôn, ủng hộ xây dựng sân bóng chuyền. Đây thực sự là một việc làm rất đáng trân trọng.

Đồng chí Ngô Thành Công - Phó Bí thư Huyện đoàn Diễn Châu 

Mục tiêu của Lộc là thời gian tới sẽ mở rộng nhà xưởng, ngoài sản xuất còn kinh doanh thêm các thiết bị khác phục vụ cho nghề biển. Hiện tại thị trường cung cấp, sửa chữa lưới của Lộc chủ yếu trong xã, trong huyện và một số chủ tàu ở Thanh Hóa.

“Em phấn đấu sẽ mở rộng thị trường ra các huyện khác và cung cấp được nhiều loại lưới, ngư cụ mà ngư dân cần” - Lộc chia sẻ. “Tuy nhiên để làm được điều đó đòi hỏi phải có nhiều vốn, đặc biệt là nguồn vốn tự chủ để tránh phải phụ thuộc vào vốn vay của ngân hàng. Hy vọng, em sẽ được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi hơn trong thời gian tới”.

Không chỉ là một ông chủ trẻ đầy năng động, Lộc còn là một đoàn viên nhiệt tình; đồng thời là thành viên của CLB Thanh niên phát triển kinh tế của huyện Diễn Châu, thành lập vào tháng 10/2017.

CLB Thanh niên phát triển kinh tế được thành lập theo Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Diễn Châu lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2017 - 2022, với mục tiêu có tổ chức để các bạn trẻ sinh hoạt, giao lưu, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Do mới thành lập nên hiện chỉ có 28 thành viên, thời gian tới khi đi vào ổn định thì sẽ kết nạp thêm thành viên mới./.