(Baonghean.vn) - Nghệ An là điểm nóng trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Tuy đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, đấu tranh nhưng tội phạm mua bán người trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp.
Liên tiếp bắt các đối tượng mua bán người
Những ngày đầu tháng 7/2017, phòng CSHS Công an tỉnh phối hợp với Phòng CSGT 1.46 giải cứu thành công ba em gái: Vi Thị Phương L (15 tuổi), Lô Thị N (15 tuổi) và Vi Thị T (14 tuổi) đều trú tại bản Piềng Ô, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương khi đang bị một đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán người lừa đảo đưa đi lao động bất hợp pháp.
Tiếp đó, ngày 12/7/2017, Công an huyện Kỳ Sơn nhận được đơn của ông Moong Phò U, 46 tuổi, trú tại bản Bình Sơn II, xã Tà Cạ, Kỳ Sơn với nội dung: Gia đình ông phát hiện con gái là Moong Thị X (SN 1999) bị mất tích, mặc dù đã tổ chức tìm kiếm nhiều nơi nhưng không thấy. Công an huyện Kỳ Sơn vào cuộc xác minh, điều tra, kết hợp các thông tin do gia đình cung cấp, đã xác định Moong Thị X là nạn nhân của một vụ mua bán người, qua đó phối hợp với Công an thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh truy tìm và đưa được nạn nhân trở về địa phương.
Vào ngày 13/7/2017, Công an huyện Tương Dương đã bắt Ngân Văn Hiền, trú tại bản Chăm Puông, xã Lượng Minh về hoạt động tổ chức lừa bán người qua Trung Quốc. Theo đó, với chiêu bài “việc nhẹ lương cao” Ngân Văn Hiền đã tổ chức bán 2 người phụ nữ là người cùng bản sang Trung Quốc với giá 150 triệu đồng.
Mới đây nhất, đầu tháng 8/2017, Công an huyện Kỳ Sơn bắt Cụt Thị Đào (SN 1989), trú bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu; Ven Văn Thiệp (SN 1983) và Moong Thị Chiên (SN 1986) cùng trú bản La Ngan, xã Chiêu Lưu về hành vi mua bán trẻ em qua biên giới, đồng thời giải cứu nạn nhân là 2 bé gái Hùng Thị H. (SN 2008) và Moong Thị X. (SN 2003) cùng trú tại xã Bảo Nam, Kỳ Sơn. Đào và Chiên khai nhận đã cùng Ven Văn Thiệp (chồng của Chiên) chuẩn bị đưa hai bé gái đi taxi ra TP Móng Cái- Quảng Ninh để bán sang Trung Quốc, mỗi cháu sau khi đưa sang được trả giá 100 triệu đồng.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Công an Nghệ An đã phát hiện hơn 10 vụ việc liên quan đến mua bán người, tiến hành bắt giữ được các đối tượng liên quan và giải cứu nạn nhân kịp thời. |
Những mánh khóe tinh vi
Nạn nhân của tội phạm này vẫn chủ yếu là phụ nữ, trẻ em có tuổi đời còn rất trẻ. Các nạn nhân chủ yếu là người sinh sống ở vùng miền núi, rẻo cao hoặc vùng nông thôn có đời sinh sống kinh tế khó khăn. Phần đông họ không có công ăn việc làm ổn định, nhận thức về xã hội, pháp luật còn hạn chế, vì thế dễ dàng bị các đối tượng phạm tội lợi dụng một cách triệt để.
Hầu hết nạn nhân của tội phạm mua bán người thường không biết mình bị lừa bán cho đến khi sang nước ngoài và bị ép buộc, đe dọa, đánh đập. Chỉ một số ít các nạn nhân may mắn được trở về với gia đình, số còn lại phải chịu mọi cực hình và bị đẩy vào cuộc sống bất ổn về tâm lý, tinh thần…
“Ở nhà chúng em không phải đi học, cũng không có việc làm. Lúc đầu, chị Hiền bảo đi ngoài đó làm cave tháng 30 triệu. Em không biết làm cave là làm việc ở đâu, cụ thể thế nào nhưng thấy bảo có việc làm lương cao, không phải vất vả nhiều nên bọn em đi” - Em Vi Thị Phương L. (Xã Lượng Minh, huyện Tương Dương), một nạn nhân của hoạt động mua bán người cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều người may mắn được giải cứu hoặc trốn thoát được lại không dám tố cáo do sợ bị trả thù hoặc sợ điều tiếng. Thậm chí, có số nạn nhân sau khi bị lừa bán vào các động mại dâm, do bị mua chuộc, dọa dẫm, hoặc do hám lợi đã quay trở về nước và tham gia vào các đường dây buôn bán người, nhiều đối tượng còn lừa bán cả người thân và hàng xóm của mình.
Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng mua bán người thường hình thành đường dây với tổ chức tương đối chặt chẽ. Giữa chúng thường có sự phân công về vai trò, đối tượng thực hiện mỗi công đoạn trong quá trình gây án dẫn đến bị hại không phát hiện hoặc không biết địa chỉ của đối tượng để khai báo. Các đối tượng phạm tội thường nằm rải rác ở nhiều địa bàn, thậm chí ở nước ngoài, do đó khi phát hiện tội phạm thì việc tổ chức vây bắt, xử lý rất khó thực hiện.
Để ngăn chặn được tình trạng này, việc đầu tiên là phải tạo được việc làm cho phụ nữ vùng sâu vùng xa, cần ưu tiên tại các khu công nghiệp để phụ nữ có công ăn việc làm ổn định. Cùng với đó là tổ chức nhiều hoạt động để giáo dục nhận thức cho phụ nữ trẻ em những địa bàn trọng điểm xảy ra buôn bán người.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ đối với các nạn nhân bị mua bán để họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng; Duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả như CLB Phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình; phụ nữ với pháp luật. Thực hiện hiệu quả những giải pháp trên mới mong ngăn chặn được vấn nạn này, đảm bảo bình yên cho cuộc sống nhân dân, an ninh biên giới.
Trọng Tuấn