(Baonghean.vn)- Việc tồn tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đường sắt xảy ra trong thời gian qua
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 2 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 126 km. Trong đó tuyến đường sắt Bắc- Nam dài 99,5km đi qua địa bàn thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn và thành phố Vinh. Trên tuyến hiện có 62 đường ngang hợp pháp và 185 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, chủ yếu do người dân tự mở.
Tuyến đường sắt địa phương có chiều dài 30,5km ( điểm đầu tại km 0 thị trấn Cầu Giát huyện Quỳnh Lưu, điểm cuối tại km 30+ 500 thị xã Thái Hòa) chủ yếu phục vụ vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm giữa các huyện miền núi về xuôi. Trên tuyến có 17 đường ngang và 38 đường dân sinh.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc tồn tại nhiều đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt, nhất là trên tuyến đường sắt Bắc Nam có nhiều điểm giao cắt bị che khuất bởi tầm nhìn, nhiều đoạn song song với quốc lộ 1, khu đông dân cư nên tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông. Bởi trên thực tế ý thức tham gia giao thông của người dân khi đi qua các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt còn hạn chế. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra đều do các phương tiện thiếu quan sát, một số vụ cố ý vượt ẩu khi tàu đã đến gần.
Trong khi chưa huy động nguồn kinh phí để làm đường gom, xóa bỏ đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Để đảm bảo an toàn giao thông, năm 2015 Ban an toàn giao thông tỉnh đã triển khai lắp đặt bổ sung các biển báo chú ý tàu hỏa tại 57 đường dân sinh và lắp đặt 04 đèn. Tuy nhiên số vụ tai nạn đường sắt vẫn tăng.
Số liệu tổng hợp từ Công an tỉnh Nghệ An cho thấy: 4 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 9 người, bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm 2015 tăng 8 vụ, 6 người chết, 3 người bị thương |
Mới đây, UBND tỉnh đã có công văn số 2607/UBND.NC ngày 22/4/2016 đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt nam, Cục đường sắt Việt Nam thực hiện nâng cấp đường ngang phợp pháp ( chưa có gác chắn, rào chắn) thành đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động và lắp đặp cần chắn tự động. Kết nối tín hiệu giao thông tự động đường bộ và đường sắt tại nút giao ngã tư quán bánh và quán hành.
Huy động kinh phí xử lý vuốt dốc, mở bụng cua một số điểm sau khi dự án nâng cấp QL1A đưa vào sử dụng. Giao ngành giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình giao thông đường bộ bổ sung gờ giảm tốc độ, biển báo, vạch dừng trên đường bộ ở hai đầu các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt. Các huyện, thành, thị có đường sắt đi qua phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt thường xuyên thực hiện giải tỏa tầm nhìn cho cả đường sắt và đường bộ.
Riêng đối với thị xã Hoàng Mai: đã có dự án làm đường gom phía tây quốc lộ 1 đoạn từ km 240+350 đến km 224 + 210 qua địa bàn, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm công tác đền bù GPMB và phối hợp với chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công làm đường gom./.
P.V