Theo đó, mức ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa cho các địa phương để mua giống sản xuất cây vụ đông năm 2021 là 2,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha tiền giống ngô, rau màu các loại gieo trồng trên đất lúa; hỗ trợ 5 triệu đồng/ha tiền mua giống khoai tây để trồng khoai tây có liên kết, bao tiêu sản phẩm, để các địa phương tổ chức mua giống hỗ trợ người sản xuất.

Có 14 địa phương được thụ hưởng chính sách này là Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương, TX Thái Hòa, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương.

Cây ngô đem lại hiệu quả kinh tế cao trong vụ đông ở Anh Sơn. Ảnh: tư liệu Thái Hiền
Cây ngô đem lại hiệu quả kinh tế cao trong vụ đông ở Anh Sơn. Ảnh tư liệu: Thái Hiền

Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Đây là những địa phương có phong trào sản xuất vụ đông phát triển, diện tích các loại cây trồng nói trên khá lớn. Cùng những chính sách khác, sự hỗ trợ này nhằm góp phần chuyển biến nhận thức và làm thay đổi tư duy của người nông dân trong việc sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và từng bước thực hiện mục tiêu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; xây dựng NTM nâng cao”.

Người trồng rau xã Hưng Đông, TP Vinh chuẩn bị sản xuất lại sau thiệt hại nặng nề do mưa lụt trong vụ đông 2020. Ảnh: Phú Hương

Theo Sở NN&PTNT, hàng năm, sản xuất vụ Đông đóng góp 7 - 8% sản lượng lương thực cây có hạt cả năm của tỉnh. Tuy nhiên, đây là vụ sản xuất thường gặp điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lụt thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng đến sản xuất; làm cho người dân không mặn mà sản xuất vụ đông; diện tích cây trồng vụ đông những năm gần đây sụt giảm khá mạnh.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp làm cho vật tư đầu vào tăng cao, trong khi giá cả nông sản bấp bênh đã ảnh hưởng đến tái đầu tư sản xuất của nông dân./.