(Baonghean.vn) - Huyện Nam Đàn được xác định là điểm đến hấp dẫn, trung tâm du lịch văn hóa của cả tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, Nam Đàn còn là huyện có đến 3 Di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu và Đình Hoành Sơn.

images2095257_quang_c_nh_khu_di_t_ch_kim_li_n__nam___n.jpgDi tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 4 di tích quan trọng tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Người. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là Di tích Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg). Hằng năm, khu di tích đón tiếp hàng triệu khách tham quan trong và ngoài nước tới viếng thăm. Trong ảnh: Quang cảnh Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn. Ảnh tư liệu
Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 2 cụm di tích chính: Cụm di tích tại quê nội - làng Sen, xã Kim Liên và Cụm di tích tại quê ngoại - làng Hoàng Trù, xã Kim Liên; với 14 di tích thành phần: nhà tranh nhỏ của cha mẹ Hồ Chí Minh; ngôi nhà của ông bà ngoại của Bác Hồ; nhà thờ chi họ Hoàng Xuân; nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; giếng Cốc; lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý - thầy học khai tâm của Bác Hồ; nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội Bác Hồ; di tích cây đa, sân vận động Làng Sen; khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; phần mộ bà Hoàng Thị Loan trên dãy Đại Huệ và cụm di tích núi Chung. Trong ảnh: Tháng 5 là mùa sen nở bừng khắp các ao đầm ở Khu di tích Kim Liên. Ảnh tư liệu
Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại huyện Nam Đàn là điểm du lịch văn hóa tâm linh, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Chí sĩ Phan Bội Châu là nhà yêu nước nhiệt thành, nhà văn hóa và tư tưởng lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam, trong hành trình văn hóa dân tộc và tiến trình đấu tranh vì sự phục hưng của đất nước. Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định (số 2499/QĐ-TTg) xếp hạng Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại huyện Nam Đàn là Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh tư liệu
Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu gồm 2 cụm: Cụm di tích quê nội làng Đan Nhiệm (nay là xóm 2, xã Xuân Hòa) và Cụm di tích quê ngoại làng Sa Nam (nay ở thị trấn Nam Đàn). Cụm di tích quê ngoại gồm: Khu lưu niệm (2 gian nhà tranh, mảnh vườn của gia đình cụ Phan) và Khu tưởng niệm (nhà trưng bày bổ sung di tích, nhà tưởng niệm). 2 ngôi nhà tranh do cụ Phan Văn Phổ - thân sinh cụ Phan Bội Châu dựng vào năm 1860. Nhà trưng bày bổ sung di tích được xây dựng vào năm 1997 từ sự tài trợ của Nhật Bản. Trong ảnh: 2 gian nhà tranh tại cụm di tích do thân sinh cụ Phan Bội Châu là cụ Phan Văn Phổ dựng vào năm 1860. Ảnh tư liệu
Đình Hoành Sơn ở xóm 4, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn xây dựng và hoàn thành năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23 (năm 1763). Đình thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, là người có nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Nghệ An và quốc gia Đại Việt. Ngoài ra đình còn thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và “Tứ vị Thánh nương”. Đình Hoành Sơn có 8 vì, 7 gian với tổng số 32 cột gỗ lim tròn. Trong đó có 12 cột cái cao 5,75m, đường kính 0,45m và 20 cột quân cao gần 4m, đường kính 0,42m. Điều đặc biệt ở đình là hệ thống điêu khắc, kiến trúc tinh xảo, giàu tính nghệ thuật. Ảnh tư liệu
Đình Hoành Sơn được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1980. Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2082/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Việc được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử - văn hoá của ngôi đình được mệnh danh là công trình kiến trúc lịch sử có quy mô đồ sộ bậc nhất miền Trung. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào đình là những đường hoành được chạm hình "long vân" hết sức tinh xảo. Ảnh tư liệu

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN