(Baonghean) - Mùa Xuân, đất trời giao thoa, cây cối đâm chồi nẩy lộc, con người trở nên thân thiện hơn. Mùa xuân cũng là mùa mà mỗi người trong chúng ta hướng tới những mong muốn tốt đẹp nhất, cầu mong một năm mới hạnh phúc, bình yên... Chính vì niềm mong mỏi đó mà mỗi dịp Tết đến Xuân về, rất nhiều người dân tìm đến với các lễ hội truyền thống để được hòa mình vào những hoạt động mang đậm bản sắc quê hương.

Cũng như bao vùng quê khác trên dải đất hình chữ S, các lễ hội ở xứ Nghệ chủ yếu tập trung vào mùa Xuân. Xứ Nghệ còn là nơi ghi dấu ấn đậm nét của một vùng văn hoá đậm đà bản sắc với 6 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận bên nhau. Ở đó có những làn điệu dân ca ví, dặm của người Kinh; đu đu điềng điềng, tập tính tập tang của người Thái; múa hát cồng chiêng của dân tộc Thổ… thiết tha, đằm thắm làm say lòng người. Bức tranh thể hiện rõ nét nhất những bản sắc văn hóa ấy được tái hiện qua những lễ hội mùa Xuân tiêu biểu như: Lễ hội Vua Mai, hội Hang Bua, hội Đền Cuông, hội Đền Cờn, Đền Quả, Đền Bạch Mã...

Mỗi lễ hội mang một sắc thái văn hóa riêng nhưng đều hướng tới sự thiêng liêng cao quý nhằm ôn lại truyền thống  tốt đẹp của cha ông ta với đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết.  Lễ hội còn là nơi giao lưu gặp gỡ, chia sẻ của mỗi người sau một năm lao động vất vả. Những lễ hội cổ truyền đã  phần nào đáp ứng nhu cầu về tinh thần cho con người và phản ánh được tâm tư nguyện vọng, tình cảm của nhân dân. Lễ hội chính là biểu tượng nghìn đời của cha ông ta để lại và được con cháu gìn giữ, lưu truyền lại cho đến ngày hôm nay với những nét đặc trưng: phần lễ và phần hội - tất cả được quy tụ dưới mái đình hay mái chùa cổ kính. 

Lễ chùa Chung Linh (Phong Thịnh - Thanh Chương). Ảnh: Hà Lành

Bà Nguyễn Thị Cúc ở khối 2, phường Hà Huy Tập, TP Vinh, cho biết: Đã thành thông lệ, đầu năm đại gia đình bà lại tổ chức cùng nhau đi lễ chùa, để vãn cảnh. Và nơi gia đình bà năm nào cũng đến để tạ lễ, dâng hương đó là Lễ hội Đền Quả Sơn (ở huyện Đô Lương). Thứ nhất bởi Đô Lương là quê của bà, thứ hai bởi đền Quả Sơn là nơi thờ vua Lý Nhật Quang – người có công với nước, với dân nên mỗi lần về với lễ hội là như một lần bà và các con cháu được tưởng nhớ tới công lao của ông, được hòa mình vào với không khí linh thiêng, trang trọng của lễ hội truyền thống. Mỗi năm lễ hội lại được tổ chức bài bản hơn, thu hút đông đảo du khách các nơi về nhiều hơn. Đó là điều đáng mừng. 

Mỗi năm xứ Nghệ có 25 lễ hội tiêu biểu cho các vùng miền khác nhau, ví như vùng biển có Lễ hội Đền Cờn (Quỳnh Lưu), Đền Cuông (Diễn Châu), Lễ hội sông nước Cửa Lò, Lễ hội Đền Vạn Lộc (Thị xã Cửa Lò)… Đến với những lễ hội này, du khách được hòa mình vào không gian đặc sắc của người dân vùng biển xứ Nghệ. Ở đó có phần lễ rước kiệu linh thiêng cầu mong một năm được mùa tôm cá. Phần hội với rất nhiều trò chơi dân gian như đua thuyền, quạt bánh đa, chạy ói… Tiêu biểu cho lễ hội vùng biển dịp sang Giêng đó là Hội Đền Cờn. Hội Đền Cờn mở đầu bằng những đoàn thuyền du Xuân có trang trí cờ, hoa rực rỡ, trong tiếng trống, tiếng chiêng âm vang. Trò diễn trận thuỷ chiến gắn với truyền thuyết dựng đền, có quân xanh, quân đỏ, giao chiến trên một dải núi non hiểm trở từ làng Ói về đền Cờn. Trận thuỷ chiến cứ 3 năm tổ chức một lần, trong đó có tục chạy Ói là nét riêng của Lễ hội đền Cờn. Những trò chơi dân gian như: đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, quạt bánh đa, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, hát chầu văn đan xen nhau thật nhộn nhịp. Kết thúc lễ hội là lễ cầu yên, cầu tài, cầu lộc, lễ tạ ơn, bốc xăm, xem quẻ… với không khí tưng bừng của mùa Xuân, báo hiệu một năm mới tốt lành đã đến. Đây là lễ hội tiêu biểu nhất của vùng biển xứ Nghệ và đền Cờn, biển Quỳnh Phương đang là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa khi về thăm xứ Nghệ.

Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch lễ hội xứ Nghệ, rất nhiều các công ty lữ hành đã lên kế hoạch cụ thể với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Bà Hồng Nhung – Giám đốc Công ty lữ hành du lịch quốc tế Văn Hồng, cho biết: Bên cạnh các tour nội địa, quốc tế, nhân dịp Tết Nguyên đán  Giáp Ngọ 2014, trong các chương trình du lịch, công ty đều có sự kết hợp khám phá ẩm thực địa phương như thưởng thức cháo lươn, dê Nam Nghĩa, tương Nam Đàn, bánh mướt Vinh… Với chủ đề: “Hành hương về xứ Nghệ - du lịch văn hóa tâm linh”  với các tour Vinh – Quê Bác – VGQ Pù Mát – Truông Bồn (2 ngày 1 đêm); Vinh – đền Vua Mai – Khu lưu niệm Phan Bội Châu – Quê Bác – Đền Quang Trung – Khu lưu niệm Nguyễn Du – Đền Hoàng Mười (2 ngày 1 đêm); Vinh – Ngã 3 Đồng Lộc – Đền Củi – KLN Nguyễn Du (2 ngày 1 đêm);  Vinh - Đền Cờn – Đền Quả Sơn – Đền Cuông (1 ngày); Vinh – Đền Cờn – Đền Bạch Mã – Núi Quyết (1 ngày). Đây là chùm tour được nhiều du khách lựa chọn nhất hiện nay, bởi chi phí hợp lý và có nhiều yếu tố hấp dẫn từ danh thắng đến các giá trị di sản và văn hoá ẩm thực địa phương. Mỗi tuyến là những hành trình hấp dẫn khác nhau. 

Những điểm mà du khách thường chọn đến vãn cảnh, dâng hương vào dịp đầu Xuân năm mới chủ yếu tập trung ở Khu di tích Kim Liên, đền Quang Trung, đền ông Hoàng Mười, đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh. Ông Trương Văn Tám – Phó Chủ tịch xã Hưng Thịnh, Trưởng Ban quản lý đền Hoàng Mười cho biết:  Là ngôi đền có tiếng linh thiêng, nhất là những năm gần đây, vào dịp đầu Xuân, du khách trong Nam, ngoài Bắc đến dâng hương tại đền rất đông. Để phục vụ du khách một cách tốt nhất. Bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch, đền đã có kế hoạch chuẩn bị công tác vệ sinh môi trường tạo cảnh quan sạch đẹp để đón tiếp du khách gần xa. Ngay từ giữa tháng 12 âm lịch, đền đã tiếp rất đông du khách đến tạ lễ, mỗi ngày trung bình hàng trăm lượt khách. Riêng các ngày lễ tết từ đêm 30 cho đến hết Rằm tháng Giêng, đền mở cửa liên tục 24/24h. Ngoài tăng cường công tác an ninh trật tự, Ban quản lý đền đã lên kế hoạch cụ thể phân công nhiệm vụ cho từng thành viên như nhóm đón tiếp, nhóm hướng dẫn khách thắp hương, nhóm ghi tiền công đức... Đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh môi trường trong, ngoài đền. Hạn chế thấp nhất việc đốt vàng, mã, lên đồng, xem bói trước cổng đền.

Dịp này, ngoài các tour nội tỉnh, nhiều công ty du lịch cũng liên kết với  các điểm du lịch trong nước xây dựng một số tour hấp dẫn như Vinh - Chùa Hương - Bái Đính (2 ngày/đêm); Vinh - Bái  Đính - Bà Chúa Kho (2 ngày/đêm); Vinh - Yên Tử - Bái Đính (4 ngày/đêm)… Đối với những tour du lịch nước ngoài, các nước như Campuchia, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản luôn được du khách đặc biệt quan tâm bởi các yếu tố tương đồng văn hoá, cộng với nét đặc trưng riêng ở từng quốc gia mà mỗi lần khám phá là một trải nghiệm mới đầy sức cuốn hút. Bên cạnh đó, có những tour mới năm nay hứa hẹn sẽ thu hút du khách như khám phá mùa Xuân trên xứ Vạn tượng Lào, hay hành trình khám phá vùng đất Phật Ấn Độ - Nepal. Riêng Trung Quốc, Thái Lan có đến hàng chục tour đa dạng để du khách lựa chọn.

Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Nghệ An, cho biết:  Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, kế hoạch tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch Nghệ An trong dịp Tết  Giáp Ngọ 2014 được các Công ty lữ hành chú trọng vào khai thác các tuyến, tour du lịch văn hoá tâm linh, lễ hội đầu Xuân trong tỉnh, trong khu vực với đa dạng, phong phú điểm đến nhằm thu hút khách du lịch đến với Nghệ An ngày càng đông hơn.

Thanh Thuỷ