(Baonghean) - Hồi đi học có đôi lần mình thắc mắc không hiểu vì sao gọi là Ngày Quốc tế Lao động mà lại được nghỉ? Quả là một cách gọi tên kỳ lạ và mâu thuẫn, nhưng học sinh mà, cứ được nghỉ là vui rồi nên mình cũng chẳng băn khoăn nhiều. Thật ra ai cũng cảm thấy mâu thuẫn giữa điều mình muốn làm và điều mình phải làm. Nhưng rốt cuộc, vẫn cứ là phải ngậm ngùi đi theo tiếng gọi của nghĩa vụ. Đi học thay vì chơi bắn bi, đánh đáo, ô ăn quan, buồn ơi là sầu!

Lớn lên chút nữa, mình nghiệm ra rằng người lớn cũng không khá hơn trẻ con là mấy. Không thiếu gì người tuy đang ngồi trong phòng làm việc mà tâm trí thì mải lượn lờ ở những quán bia, spa làm đẹp, cửa hàng cửa hiệu. Có điều khác với trẻ con, người lớn liều lĩnh hơn và cũng dễ bị cám dỗ hơn. Bằng chứng là trước khi giờ làm việc kết thúc thì nhiều người đã điểm danh ở sân cầu lông, tennis, chợ búa,... kém lành mạnh hơn chút thì quán nhậu, nhà hàng. Và nực cười ở chỗ, dường như ngày "làm việc" thực sự của họ bây giờ mới bắt đầu, sau một ngày vật vờ giết thời gian bên bàn giấy. Sau này, với sự phát triển của công nghệ và sự tân tiến trong thú vui thú chơi, đã có kẻ sáng chế ra cái trò rất tinh vi có thể giúp người ta vừa ngồi bên bàn làm việc vừa chơi, đấy là máy tính và internet. Bà chị mình từng được phen muối mặt khi đứa con gái bước vào phòng đúng lúc bà ấy đang mải chơi ván Line 98 trong khi 30 phút trước vừa dặn con bé chớ làm phiền để mẹ làm báo cáo cuối năm...

Lại một chuyện trái khoáy khác của vấn đề lao động, đấy là tình trạng thừa thiếu lao động. Tại sao lại mâu thuẫn? Bởi vì vừa thừa lại vừa thiếu. Ở thành phố lớn thì thừa mứa lao động, ở tỉnh lẻ thì thiếu trầm trọng. Thiếu ở đây là thiếu lao động có chất lượng. Lại nói đến chuyện chất lượng, trong khi người người nhà nhà đổ xô đi xuất khẩu lao động (hợp pháp và không hợp pháp), thì chẳng ai nghĩ đến việc nâng cao tay nghề lao động thủ công để cải thiện đồng lương ngay tại Việt Nam. Trong khi ở nước ngoài, hầu như cứ cái gì dính đến "thủ công", cứ gọi là đắt lòi mắt. Nhưng mà đắt xắt ra miếng, bởi vì tay nghề họ cao, làm những việc cần đến sự nhạy cảm và tinh tế mà máy móc không thay thế được. Nói thế chứ Việt Nam mình cũng có nhiều nghề thủ công tinh xảo lắm chứ, tiếc là chỉ hấp dẫn được người nước ngoài là chủ yếu. Thế mới thấy, mới ngẫm nghĩ lại xem sức lao động đã được người mình biết quý, biết định giá đúng mực hay chưa.

Nói như mình vừa nói, ngẫm lại, cũng mâu thuẫn nốt! Tìm được việc bây giờ chẳng khác gì mò kim đáy bể, ấy là những bạn trẻ vừa bước chân ra khỏi giảng đường than thở với mình như thế. Một công việc ổn định, lương tháng dăm bảy triệu bây giờ là ước mơ xa xỉ của nhiều người. Lạ chửa, sức lao động bây giờ rẻ rúng như thế sao? Nên đặt câu hỏi cho xã hội với những chế độ đãi ngộ chưa đúng mực hay cho những người lao động chưa đạt chất lượng? Suy cho cùng, vấn đề vẫn nằm ở xã hội. Bởi, tay nghề lao động chưa cao là do khâu đào tạo có vấn đề. Còn một xã hội đang trên đà phát triển, mở rộng về mọi mặt, mà vẫn không tạo đủ việc làm cho người lao động thì chẳng khác nào bể chứa với dung tích ngày càng lớn mà vòi xả nước thì vẫn nhỏ giọt như cà phê phin.

Kết lại, cứ vấn đề gì liên quan đến lao động thì đều liên tưởng được đến đứa trẻ bị ép phải lớn trước tuổi. Bởi vì phàm những người lao động bị cám dỗ, phân tán khỏi trách nhiệm, nghĩa vụ của mình thì cũng chỉ như đứa trẻ lớn xác vô tâm. Những người lao động tay nghề chưa cao thì như đứa trẻ sớm phải gánh vác những việc quá nặng trên vai. Tóm lại, cả xã hội sẽ chỉ toàn trẻ con, bởi vì chính cái xã hội này cũng là một đứa trẻ chưa lớn, hay đúng hơn là chưa kịp lớn phần hồn cho cân xứng với phần xác. Có nghĩa là để lớn lên thực sự, người ta cần phát triển cả tư tưởng, suy nghĩ chứ không chỉ cần xây dựng mỗi cơ sở, vật chất. Đến khi chúng ta làm được như vậy, may ra mới nhận ra được giá trị của Ngày Quốc tế Lao động!

Hải Triều 

Email từ Paris