Ngày cuối năm ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo
(Baonghean.vn)- Những ngày cận Tết, không khí ở di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo trở nên trầm mặc. Từng đoàn người hành hương về đất thiêng chầm chậm rải bước qua những chứng tích ghi dấu tội ác ghê rợn của kẻ thù.
24/01/2019 - 22:40
Nhà tù Côn Đảo được thành lập ngày 1/2/1862 bởi Thống đốc Nam Kỳ Bonard. Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, chuồng cọp và hệ thống các trại (gồm Trại Bagne 1, sau đó được đổi thành trại 1, trại Cộng Hòa, trại 2, trại Phú Hải) rộng hơn 12.000 m2 gồm 10 khám lớn (phòng giam lớn), 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa và khu đập đá. Trong hơn 100 năm, khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã bị giam cầm, hy sinh tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo, nơi cả thế giới bàng hoàng khi sự thật được phơi bày. Trại giam Phú Tường - nơi được mệnh danh là "địa ngục" của "địa ngục trần gian" là nơi từng giam giữ những sỹ phu yêu nước như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh haynhững nhà cách mạng nổi tiếng như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng.. Ở khu chuồng cọp trong phòng biệt giam chỉ 14m, có 5 tù nhân bị giam cùm, họ phải ăn uống vệ sinh tại chỗ, đau yếu bệnh tật không được thăm khám. Nếu tù nhân có phản kháng lập tức cai ngục sẽ có những màn tra tấn tàn bạo như là rải vôi bột pha nước thải vệ sinh; những đòn roi bằng gậy gộc. Các tù nhân trong chuồng cọp dù bị bệnh tật, dù bị đánh đến gãy chân nhưng vẫn bị bỏ mặc trên nền gạch cùng với phân và nước tiểu cho đến kiệt quệ, nhiều đồng chí đã bỏ mạng tại đây trong nhiều ngày tháng bị bỏ đói và bệnh tật. Trại tù Phú Hải Côn Đảo cũng như hệ thống các nhà tù Côn Đảo là nơi kẻ thù tra tấn và thủ tiêu những người yêu nước, những nhà cách mạng. Nhưng đây cũng là nơi chứng kiến những cuộc đấu tranh anh dũng của các tù nhân. Năm 1932, vượt lên tất cả các hình thức tra tấn dã man, chi bộ cộng sản đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo tại Trại Phú Hải được thành lập, sau phát triển thành Đảng ủy Côn Đảo. Đây là nơi giam giữ hàng trăm người trong buồng biệt giam. Các tù nhân phải ăn ngủ vệ sinh một chỗ với cùm sắt dưới chân, có lúc tới 53 ngày chúng mới cho tù nhân đi đổ thùng thải vệ sinh một lần, phương thức tra tấn này khiến nhiều tù nhân phải bỏ mạng vì chứng kiết lỵ, tiêu chảy và cảm cúm. Hầm xay lúa, nơi bọn cai ngục tra tấn những tù nhân còn chút sức lực bằng hình thức khổ sai nếu tù nhân có ý đòi nhân quyền, phản kháng chế độ. Tù nhân vừa phải xay lúa vừa phải chịu đòn roi gậy gộc, nếu tiến độ, năng suất không đáp ứng yêu cầu chúng sẽ đánh tù nhân đến tàn tật. Khám tù từng giam giữ đồng chí Tôn Đức Thắng; với hình thức tra tấn lao động khổ sai này, nhiều tù nhân đã kiệt quệ sức lực và chịu bệnh tật đến chết. Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An nghe thuyết minh giới thiệu về nhà tù. Dù đã trải qua hơn 40 năm từ khi bị phơi bày ra ánh sáng nhưng nơi đây vẫn khiến nhiều người liên tưởng chúng như những nhà tù khủng khiếp thời Trung cổ. Câu thơ "Côn Lôn đi dễ khó về/ Già đi bỏ xác, trai về nắm xương" đã phản ánh sinh động, chân thực về địa ngục trần gian, nơi chứng tích còn lại vẫn khiến người đời ghê rợn. Đến nơi này được chứng kiến những tàn tích còn sót lại của nơi địa ngục trần gian, lớp lớp thế hệ càng biết ơn giá trị của hòa bình, biết ơn công lao to lớn, sự quả cảm ngoan cường, hy sinh máu xương của lớp lớp cha anh để mang lại nền độc lập tự do cho dân tộc.