(Baonghean) Sự việc gây rối tại xã Yên Khê (Con Cuông) đã diễn ra hơn 2 tuần, nhưng đến thời điểm hiện nay nhiều giáo dân trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn bị bưng bít thông tin hoặc nhận được những thông tin sai lệch.

Sự thật, vào chiều 1/7/2012, linh mục Nguyễn Đình Thục và nhiều giáo dân Giáo xứ Quan Lãng (Anh Sơn) lên tổ chức hành lễ trái pháp luật tại nhà riêng ông Phạm Thế Trận, bản Trung Hương, xã Yên Khê (Con Cuông). Khi tổ công tác của huyện Con Cuông và xã Yên Khê đến tuyên truyền, vận động linh mục và giáo dân dừng việc hành lễ trái pháp luật, lập tức một số giáo dân quá khích đã chống đối và hành hung những người thi hành công vụ.

Sau đó, nhiều giáo dân Giáo xứ Quan Lãng và một số nơi khác tiếp tục kéo đến Yên Khê để gây rối trật tự. Linh mục Nguyễn Đình Thục đã chỉ đạo một số giáo dân quá khích bắt giữ trái pháp luật và xúc phạm, đánh đập dã man 43 người thuộc tổ công tác của huyện, xã và trong số đó có nhiều người dân Yên Khê. Sự việc ẩu đả đã khiến 66 người bị thương, trong đó có 4 giáo dân ở xóm 12 và xóm 9 xã Tường Sơn, Anh Sơn. Đến rạng sáng hôm sau, ngày 2/7, lực lượng công an làm nhiệm vụ được tăng cường và giải cứu 43 người bị giam giữ, đồng thời bảo vệ cho linh mục Nguyễn Đình Thục và hơn 700 giáo dân ở các nơi khác xâm nhập vào Yên Khê rời khỏi địa bàn Con Cuông một cách an toàn.

Sự thật là thế, nhưng linh mục Nguyễn Đình Thục và một số linh mục và chức sắc tôn giáo thuộc Giáo xứ Quan Lãng đã cố tình bẻ cong sự thật, đổ lỗi hoàn toàn cho các cấp chính quyền huyện Con Cuông. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc hầu hết các nhà thờ thuộc các giáo xứ, giáo hạt trên địa bàn toàn tỉnh đang xuất hiện những băng rôn, khẩu hiệu xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn, thậm chí mang tính kích động, cố tình khoét sâu mâu thuẫn của bà con giáo dân với các cấp chính quyền, chia rẽ tình đoàn kết lương- giáo. Đồng thời, trong buổi lễ ngày Chủ nhật hôm qua (15/7/2012), tại các giáo hạt trên địa bàn toàn tỉnh, một số linh mục đã tiếp tục có những lời rao giảng sai sự thật, kích động giáo dân chống đối chính quyền.

Từ sáng sớm ngày 15/7/2012, người dân bản Tờ xã Yên Khê đã í ới gọi nhau ra thăm đồng. Diện tích ruộng nước mới cấy đang phát triển tốt và vào kỳ đẻ nhánh. Mùa này nhiều mưa nên tình trạng khô hạn căn bản đã được giải quyết, tuy nhiên, bà con vẫn tích cực chủ động thăm đồng để đưa nước vào ruộng bậc thang. Bà Lữ Thị Tý, có chồng là ông Lương Văn Kiếu bị giáo dân hành hung hôm 1/7 cho biết: “Hiện nay, tình trạng sức khỏe của ông nhà tôi không còn đáng lo ngại nữa. Ông ấy đã bình phục và trở lại với công việc ngày thường. Chúng tôi đều mong muốn tình hình sớm đi vào ổn định để yên tâm cấy cày thôi”. Ông Tăng Ngọc Sơn- Trưởng bản Làng Pha, người bị đánh gãy cánh tay trái và 3 xương sườn cũng đã ra viện và đã gắng gượng đi lại được. Ông cho biết, hiện đang dùng thuốc nam để trị thương. Vợ ông là bà Trần Thị Tâm cho biết thêm, khoảng 1 tháng nữa ông Sơn sẽ thực sự bình phục. Như vậy, người dân bản Trung Hương nói riêng và xã Yên Khê nói chung đã có được nửa tháng sống trong yên bình. Nỗi ám ảnh về những kẻ gây rối trật tự cũng đang nguôi ngoai dần. Cuộc sống lao động sôi động đã trở lại trên nương chè và dưới thửa ruộng bậc thang của những làng bản thanh bình ở xã Yên Khê.

Trái ngược với sự bình yên ở xã Yên Khê là một vẻ yên ắng bất thường tại nhà thờ của Giáo xứ Quan Lãng, thuộc xã Tường Sơn (Anh Sơn). Một người bán bánh gai ở gần nhà thờ cho biết, từ 4 giờ sáng ngày Chủ nhật (hôm qua, 15/7/2012), giáo dân đã đến mua bánh gai để về nhà thờ Giáo hạt Bột Đà tại xã Đà Sơn (Đô Lương) để làm lễ. Người dân nơi đây cho rằng, đó là một ngày Chủ nhật bất thường tại trung tâm Giáo xứ Quan Lãng. Tại sao ở đó có một nhà thờ to lớn, khang trang mà giáo dân lại phải đi xa hàng chục km đến nơi khác để làm lễ?

Cũng vào sáng hôm qua  (Chủ nhật, ngày 15/7/2012), các ngả đường thuộc phường Cửa Nam, Thành phố Vinh đã diễn ra sự bất thường bởi đông nghịt người và các loại phương tiện giao thông. Nhiều tuyến đường gần như bị tắc nghẽn, việc lưu thông gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là do bà con giáo dân từ các giáo xứ trong vùng tập trung về nhà thờ xứ Cầu Rầm, nơi đặt sở hạt Cầu Rầm. Dãy hàng rào phía trước và sau của nhà thờ treo nhiều băng rôn, khẩu hiệu mang tính kích động như “Phản đối hành vi phạm thánh và đánh đập linh mục, giáo dân của chính quyền ở Con Cuông”, “Giáo xứ Kẻ Gai luôn hiệp thông”, “Giáo dân Nghệ - Tĩnh - Bình sẽ chết vì đức tin”…

778873_small_78282.jpg

Băng rôn có nội dung xuyên tạc, vu khống chính quyền treo tại Nhà thờ Cầu Rầm (TP. Vinh) (Ảnh chụp sáng ngày 15/7/2012)

Trước khi hành lễ, linh mục Hoàng Sĩ Hướng, quản hạt Cầu Rầm cho biết, nội dung chương trình buổi lễ là cầu nguyện, hiệp thông cho những giáo dân bị chính quyền đánh đập ở Con Cuông. Nghi thức cầu nguyện kết thúc, nhiều giáo dân rời nhà thờ để trở về với công việc làm ăn thường ngày. Số giáo dân ở lại không nhiều để nghe linh mục Hoàng Sĩ Hướng đọc bản tường trình về sự việc xảy ra ở Con Cuông ngày 1/7/2012 của linh mục Nguyễn Đình Thục. Là những người chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc xảy ra tại xã Yên Khê, chúng tôi nhận thấy, nội dung và lời lẽ của linh mục Hoàng Sĩ Hướng và trong bản tường trình của linh mục Nguyễn Đình Thục là hoàn toàn bịa đặt nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận và kích động bà con giáo dân.

Theo tường trình của linh mục Nguyễn Đình Thục thì ông đang làm lễ tại nhà nguyện (thực chất là nhà riêng của ông Phạm Thế Trận), lực lượng cán bộ, công an huyện Con Cuông và xã Yên Khê đến cản trở, đánh đập các giáo dân, nữ tu và cả linh mục. Đến sáng ngày 02/7/2012, trên đường rút về, bà con giáo dân vẫn bị lực lượng công an cản trở. Thực chất, khi Linh mục Nguyễn Đình Thục làm lễ trái pháp luật tại nhà riêng ông Phạm Thế Trận ở Yên Khê, Con Cuông thì tổ công tác gồm cán bộ huyện Con Cuông và xã Yên Khê đến tuyên truyền, vận động dừng việc hành lễ trái pháp luật. Lực lượng công an chỉ có mặt vào lúc rạng sáng ngày 2/7 để làm nhiệm vụ giữ ổn định trật tự, giải cứu những cán bộ và người dân bị giam giữ trái pháp luật trong nhà riêng của ông Phạm Thế Trận để bảo vệ, đảm bảo an toàn cho linh mục và toàn bộ giáo dân rút lui khỏi địa bàn huyện Con Cuông theo yêu cầu của linh mục Nguyễn Đình Thục.

Cũng vào 6h sáng Chủ nhật hôm qua (15/7), hàng trăm giáo dân mang theo cờ, băng rôn khẩu hiệu từ mọi nẻo đường xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) tập trung trước cổng nhà thờ Kẻ Gai. Khác với những buổi cầu nguyện thường ngày, 30 phút sau khi tập trung, đoàn người di chuyển hàng ba hàng bảy bằng xe gắn máy về hướng TP Vinh, qua chợ Già, đi về nhà thờ Cầu Rầm cách đó chừng 7 – 8km. Từ các ngõ, thi thoảng lại có thêm một vài chiếc xe máy nhanh chóng nhập vào dòng người đông như trẩy hội. Trước cổng nhà thờ Kẻ Gai cũng có hai băng rôn ghi dòng chữ “Phản đối hành vi phạm thánh và đánh đập linh mục, giáo dân của chính quyền tại Con Cuông”. Nhà thờ Kẻ Gai lúc đó vắng tanh!



Giáo dân từ huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên về Nhà thờ Cầu Rầm đi lễ. (ảnh chụp sáng ngày 15/7/2012)



Ùn tắc giao thông tại đường Phan Đình Phùng trước cổng vào nhà thờ Cầu Rầm (Ảnh chụp sáng ngày 15/7/2012)

Tại Giáo xứ Xã Đoài, trung tâm của Giáo phận Vinh, thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), khoảng từ 7h sáng qua (15/7), khắp các nẻo đường, bà con giáo dân nườm nượp về đi lễ nhà thờ. Song, trong dòng người đó, bên cạnh những giáo dân có ý thức chấp hành tốt luật lệ an toàn giao thông đường bộ thì cũng có nhiều giáo dân không chấp hành.

Tại đây, có những băng rôn được giăng lên phía cổng của Tòa giám mục Xã Đoài, của cửa hàng dịch vụ Giáo xứ Xã Đoài với nội dung xuyên tạc, sai sự thật so với bản chất của vụ việc xảy ra tại xã Yên Khê (Con Cuông) nhằm mục đích chia rẽ mối đoàn kết lương - giáo và kích động giáo dân chống lại chính quyền, như: “Phản đối hành vi phạm thánh và đánh đập linh mục, giáo dân của chính quyền tại Con Cuông”.



Băng rôn có nội dung xuyên tạc, vu khống chính quyền treo tại Nhà thờ Quy Chính (Nam Đàn) (Ảnh chụp sáng ngày 15/7/2012)

Cũng ngày hôm qua, ngay từ sáng sớm, giáo dân từ các giáo xứ ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã về nhà thờ Giáo xứ Quy Chính, sở hạt Vạn Lộc, thuộc xã Vân Diên, huyện Nam Đàn để tiến hành làm lễ. Do tập trung đông đến hàng nghìn người lưu hành chủ yếu bằng xe gắn máy, chở 2, 3 người, có nhiều người không đội mũ bảo hiểm đi dàn hàng ngang nên đã gây ách tắc giao thông. Ngay cổng vào nhà thờ Quy Chính - nơi làm lễ, băng rôn được treo ngay trên cổng chào với nội dung kích động, xuyên tạc sự thật: “Phản đối hành vi phạm thánh và đánh đập dã man linh mục và giáo dân tại Con Cuông”. Cũng cần nói thêm rằng, trên địa bàn huyện Nam Đàn trong những ngày qua, nhiều số máy điện thoại di động đã nhận được tin nhắn  với nội dung nói xấu chế độ. Sau khi kết thúc buổi lễ,   các giáo dân nơi đây trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người ra thăm đồng, bón phân, đào mương dẫn nước, chăm sóc lúa vụ hè thu.

Mặc dù 8h10 phút ngày 15/7, tại nhà thờ Giáo xứ Đông Tháp, xã Diễn Hồng (Diễn Châu) mới diễn ra lễ cầu nguyện, nhưng ngay từ 6h30 trên mọi con đường đổ về hướng nhà thờ, người, xe đã chật ních. Ngay tại ngã ba cầu Bùng, giáo dân từ các xã Diễn Hạnh, Diễn Xuân, Diễn Nguyên... của huyện Diễn Châu, cùng với giáo dân của một số xã thuộc huyện Yên Thành đi xe máy, nhiều xe chở 3, nhiều người không đội mũ bảo hiểm lần lượt nối đuôi nhau kéo xuống Quốc lộ 1A để ra nhà thờ Đông Tháp. 7h15, ngay Quốc lộ 1A hướng đi xuống nhà thờ Đông Tháp đã xảy ra cảnh ùn tắc giữa những người đi lễ và xe cộ vào. Từ ngay đầu đường rẽ xuống khu vực nhà thờ chỉ khoảng 150m nhưng hoàn toàn tắc nghẽ bởi lượng người, xe đổ về mỗi lúc một đông. Vì sân nhà thờ phải dành chỗ cho số người đến cầu nguyện nên xe máy đành phải để chen chúc khắp các lối dẫn vào nhà thờ. Đối diện cổng nhà thờ là khẩu hiệu có nội dung xuyên tạc, mang tính kích động, sai sự thật: "Phản đối hành vi phạm thánh và đánh đập linh mục, giáo dân của chính quyền tại Con Cuông". Đúng 8h10, buổi hành lễ được tiến hành và kết thúc vào lúc 9h15 phút.

Tại Thị xã Cửa Lò, từ sáng sớm đã có rất nhiều giáo dân tập trung về nhà thờ Giáo xứ Tân Lộc, sở hạt Cửa Lò, thuộc phường Nghi Tân để tổ chức cầu nguyện vào lúc 8 giờ theo nội dung thông báo của Tòa giám mục Xã Đoài…Trước và trong buổi lễ cầu nguyện này, các linh mục và một số giáo dân ở đây đã có một số hành vi mang tính kích động, thiếu tôn trọng sự thật và pháp luật, đặt điều nói xấu các cơ quan chức năng: Trước nhà thờ và một số con đường trong khu vực giáo xứ, treo các băng rôn mang tính vu cáo, đổi trắng thay đen, đổ vấy tất cả vi phạm của  linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng cùng một số giáo dân cho chính quyền các cấp. Trong buổi cầu nguyện, các linh mục tiếp tục tuyên truyền sai sự thật về bản chất vụ việc truyền đạo trái pháp luật tại huyện Con Cuông; tuyên truyền sai diễn biến của vụ việc các linh mục và giáo dân Giáo xứ Quan Lãng gây rối tại xã Yên Khê. Sau khi buổi lễ kết thúc, trên đường về, có rất nhiều giáo dân vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi 3, 4 người chở nhau trên một chiếc xe gắn máy, không đội mũ bảo hiểm, hay vượt đèn đỏ….

8 giờ sáng ngày 15/7  có 12 xứ tại 5 huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Nghi Lộc… đã tập trung về nhà thờ Giáo xứ Bảo Nham, sở hạt  Bảo Nham thuộc xã Bảo Thành (Yên Thành). Các giáo dân tham gia lễ cầu nguyện chủ yếu đến bằng xe máy và 2 xe ô tô khách. Các buổi lễ bình thường có khoảng 500 người tham gia, riêng buổi lễ này số lượng người đông bất thường. Trước cổng nhà thờ treo các băng rôn với nội dung mang tính kích động, vu khống: “Hãy chia sẻ nỗi đau cùng Giáo xứ Con Cuông”, “Phản đối hành vi phạm thánh và đánh đập linh mục giáo dân của chính quyền tại Con Cuông”.

Như vậy, qua diễn biến tại các giáo xứ, giáo hạt trong ngày Chủ nhật hôm qua (15/7), chúng ta dễ dàng nhận thấy những điều bất thường. Trước tiên, các buổi lễ, dù là lễ trọng thường được tổ chức ở các giáo xứ, các giáo dân chỉ tập trung về giáo hạt hành lễ khi đón tiếp linh mục mới hoặc đón tiếp những người có chức phẩm cao trong giáo hội. Nhưng không quá khó hiểu mục đích của nhiều linh mục khi huy động giáo dân và tổ chức hành lễ tại các hạt. Đó là tiếp tục xúi giục, kích động bà con giáo dân bằng cách xuyên tạc, bóp méo sự thật của vụ việc tại xã Yên Khê (Con Cuông) ngày 1/7/2012. Nhiều linh mục cho rằng, chính quyền huyện Con Cuông đánh linh mục và giáo dân. Vậy xin được hỏi linh mục nào bị đánh, bị đánh vào thời điểm nào và bị thương tích ra sao? Tại sao lại không được công bố trong các buổi rao giảng? Tại sao các linh mục không công bố cụ thể cho bà con giáo dân được biết để có thể thăm hỏi, chăm lo, chia sẻ một cách thiết thực nhất! Chúng tôi khẳng định, trong tổng số 66 người bị thương trong vụ gây rối ở Con Cuông không có một linh mục nào bị thương hay xây xát mà có tới 62 người là cán bộ và bà con dân tộc thiểu số huyện Con Cuông và 4 người là giáo dân của Giáo xứ Quan Lãng đến từ Tường Sơn (Anh Sơn). 

Có thể khẳng định, việc treo băng rôn, khẩu hiểu như đã nói ở trên tại các nhà thờ và các giáo xứ, giáo hạt đã vượt ra khỏi khuôn khổ của hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và là hành vi vi phạm pháp luật và có mưu đồ chính trị. Bởi lẽ, mục đích chân chính của mỗi tôn giáo và các tín đồ khi đến các cơ sở thờ tự cầu nguyện là tìm đến một thế giới bình yên trong tâm hồn. Nhưng với lời lẽ mang tính kích động và xúi giục tại các băng rôn, khẩu hiệu cùng với những lời rao giảng xuyên tạc sự thật từ các linh mục, thử hỏi liệu các con chiên sẽ đến được chốn bình an và chan chứa tình yêu thương hay đến với hận thù, chia rẽ? Đó là chưa kể việc huy động giáo dân về hành lễ tại các sở hạt đã gây mất trật tự an toàn giao thông, nguy hiểm tính mạng và lãng phí thời gian, tiền bạc. Qua đó có thể thấy rõ được động cơ chính trị và bản chất của nhiều vị linh mục, đó là thực hiện ý đồ tiếp tục chia rẽ và khoét sâu mâu thuẫn, phá vỡ sự ổn định trên tất cả mọi mặt của xã hội để gây bất ổn. Hơn nữa, với những gì các linh mục, chức sắc Giáo xứ Quan Lãng đã gây ra cho bà con dân tộc xã Yên Khê (Con Cuông) vô hình trung đã làm sai lệch hình ảnh vốn tốt đẹp của đạo Thiên Chúa giáo và liệu bà con các dân tộc thiểu số có muốn đón nhận một tôn giáo như vậy hay không?

Một lần nữa khẳng định rằng, đã là người Việt Nam chân chính thì không ai không mong được mãi mãi sống trong cảnh hòa bình và tuân thủ pháp luật. Bởi qua nhiều thập kỷ chiến tranh, hơn ai hết, người dân Việt Nam hiểu rõ những mất mát, đau thương do chiến tranh mang lại. Vì thế, tất cả những ai đi ngược lại với nguyện vọng của toàn thể dân tộc, dù sớm hay muộn đều phải trả giá cho những hành động của mình. Hy vọng những vị linh mục đang có những mưu đồ chính trị đi ngược với lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và đường hướng tốt đẹp của Thiên Chúa giáo, sớm tỏ rõ thiện chí để bà con giáo dân được sống “tốt đời, đẹp đạo” và cùng chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh.


Nhóm PV, Cộng tác viên