Sáng 27-9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật.
Dự thảo Luật khẳng định chính sách chung là Nhà nước đảm bảo nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật; đồng thời có chính sách cụ thể hỗ trợ kinh phí phổ biến giáo dục pháp luật cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; ưu tiên hỗ trợ việc phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Dự thảo Luật đề nghị lấy ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam nhằm tôn vinh pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân. Đây là ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 – đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước ta.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng đã được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp. Ông Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc ban hành Luật phổ biến giáo dục pháp luật; song cũng có ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành luật này, bởi lẽ trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành đã có quy định về phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó giao trách nhiệm phổ biến giáo dục pháp luật cho nhiều cơ quan cụ thể. “Hơn nữa, theo báo cáo của cơ quan soạn thảo thì cũng chưa thấy có nước nào trên thế giới ban hành riêng một đạo luật về phổ biến giáo dục pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói thêm.
Về đề nghị lấy ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Pháp luật bày tỏ quan điểm tán thành, đồng thời cũng nhấn mạnh, việc phổ biến giáo dục pháp luật phải là việc làm thường xuyên, hàng ngày chứ không phải việc làm có tính chất phong trào. Do đó, không nên tổ chức kỷ niệm ngày này một cách tốn kém.
Ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
(Theo SGGP)