(Baonghean.vn) - Chủ động ứng phó với cơn bão số 14, các cơ sở y tế trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp cấp thiết; thực hiện ứng trực, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.
 
Có mặt trạm y tế xã Nghi Xuân, chúng tôi đã chứng kiến công tác ứng phó bão nơi đây: Trạm  có 3 khối nhà 2 tầng kiên cố, hơn 20 phòng, vừa được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2012. Trạm có 05 cán bộ trong biên chế và 03 cán bộ hợp đồng, 100% quân số của trạm đều ứng trực; Người thì kiểm tra lại các cơ số thuốc men phòng chống bão lũ, người dọn dẹp lại giường tủ gọn gàng để sẵn sàng cho việc đón người dân lên tránh trú; người nổ máy, kiểm tra lại chiếc xe cứu thương của trạm xá – đây là chiếc xe phục vụ cho người dân cả 03 xã chung quanh.
 
Y sỹ Đậu Khắc Lân, quyền trạm trưởng cho biết: Cơ số thuốc của trạm hiện có hơn 10 kg Cloramin B, 03 kg phèn chua, dịch chuyền, nẹp, các thuốc trợ sức và giảm đau… các y bác sỹ ở đây bận rộn luôn tay luôn chân, hết tiêm lại phát thuốc cho những người dân tranh thủ lên khám trước giờ bão đến.
 
images869231_tc.jpgKiểm tra lại cơ số thuốc phòng chống lụt bão của trạm y tế xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc
 
 Ở trạm y tế phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò cả 5 y bác sỹ ở đây đều là nữ. Trong 02 ngày qua, trạm luôn đảm bảo quân số ứng trực tại đơn vị, vừa thực hiện các nhiệm vụ khác như giám sát địa bàn, chằng chống nhà trạm, chặt tỉa cây.
 
Bác sỹ Bùi Thị Hà, Trạm Trưởng trạm y tế xã chia sẻ: “Trạm đã và đang thực hiện những phương án phòng chống bão lụt đặt ra như chuẩn bị cơ số thuốc cấp cứu,  hướng dẫn phòng chống tại nạn thương tích, tư vấn người dân tìm đến cơ sở y tế gần nhất trong tình huống cấp cứu, sản phụ sinh nở xảy ra. Chúng tôi quyết tâm đối phó bão và sẵn sàng xử lý những sự cố…
 
Ở thị xã Cửa Lò có 7 trạm y tế thì cả 7 đều chuẩn bị tốt 2 cơ số thuốc cấp cứu cùng các loại hóa chất xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường. Ngoài ra Trung tâm Y tế cũng đã chuẩn bị 05 cơ số thuốc sẵn sàng cung ứng, cũng như hỗ trợ nhân lực khi cần thiết - ông Hoàng Khắc Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Thị xã nói.
 
Tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Cửa Lò, công tác chống bão cũng được triển khai nghiêm túc. Bác sỹ Trần Văn Thế, giám đốc Bệnh viện cho hay: “tất cả các phòng khám, điều trị đều được chằng chống kiên cố, vệ sinh sạch sẽ để các bệnh nhân yên tâm điều trị. Các y bác sỹ đều ứng trực 100% để chăm lo sức khỏe cho người bệnh. Ở bệnh viện bây giờ đảm bảo an toàn hơn ở nhà”. Trong những thời khắc đối phó với siêu bão như thế này, Bệnh viện đã cử các y  bác sỹ xuống tăng cường thêm cho các trạm y tế trên địa bàn. Thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt, các phương tiện cấp cứu cũng sẵn sàng di chuyển khi có bệnh nhân cần giúp đỡ…
 
Cuối giờ chiều, thời tiết chưa xuất hiện thêm những diễn biến xấu; song không vì thế mà công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão số 14 cho phép chủ quan. Đoàn kiểm tra của Trung tâm Y tế huyện Nghi Lộc liên tục di chuyển tại các xã nằm sát biển như Nghi Quang, Nghi Thiết, Nghi Tiến, Nghi Yên để kiểm tra, rà soát lại công tác ở các trạm y tế này, cũng như sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ thêm khi cần thiết…
 
Ở huyện ven biển Quỳnh Lưu, đã xuất hiện mưa nhỏ và gió nằm ở cấp 4-5. Đã “kịp quen” với bão lũ, từ hai ngày nay, tất cả các cơ sở y tế trong huyện đã chuẩn bị kịp thời, “lên tinh thần” gồng mình chống bão. Trao đổi nhanh, ông Lê Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu cho biết: Huyện đang duy trì 03 tổ ứng trực đối phó nhanh với bão, bao gồm 01 tổ cấp cứu, 01 tổ xử lý nguồn nước và 01 tổ phòng dịch. Tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn đều đảm bảo thực hiến đúng theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện và ngành y tế.
 
Đối phó với cơn bão số 14, tất cả các cơ sở y tế trong tỉnh đều đã sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão và tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa, bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra - Ông Hoàng Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khẳng định.
 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Y tế đã khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra; chỉ đạo các đội cấp cứu cơ động trực 24/24h luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm. Các cán bộ y tế đã và đang tiếp tục hướng nhân dân những biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, phương pháp xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, thực hiện nếp sống vệ sinh để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh phát sinh.
 
Thanh Sơn