(Baonghean) - Năm 2011 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành xây dựng. Thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có tập trung cắt giảm đầu tư công, khiến hàng loạt công trình bị đình hoãn kéo dài, người lao động ngành xây dựng đối mặt với rất nhiều khó khăn. 
 
Chủ tịch công đoàn ngành xây dựng, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết: Hiện nay, có 18 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở sinh hoạt trong công đoàn ngành xây dựng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đó không chỉ làm xây lắp mà còn làm nhiều ngành nghề khác nữa như: sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, tư vấn, quản lý dự án. Các công trình khác sử dụng vốn trong nước dù không thuộc diện đình hoãn cũng gần như không được cấp vốn, hoặc cấp rất nhỏ giọt làm cho các nhà thầu lao đao, lao động mất việc hàng loạt. Việc vốn liếng thiếu hụt, công trình đình hoãn, doanh nghiệp không có khả năng trả lương công nhân, không thanh toán được các khoản bảo hiểm cho người lao động khi đến hạn. Đời sống, việc làm người lao động hết sức bấp bênh.
 
Anh Nguyễn Văn T. – công nhân Công ty CP Xây lắp thương mại Nghệ An cho hay: Năm 2011, anh tham gia thi công công trình kè sạt lở và nơi neo đậu tàu thuyền tránh thiên tai ở Nghi Tân (TX. Cửa Lò). Thiếu vốn, công trình thi công được 2/3 tiến độ thì phải dừng lại. Anh em công nhân không có việc làm, giá cả thị trường tăng chóng mặt nên đời sống gặp nhiều khó khăn .
 
Công trình thi công cầm chừng, có công trình đang thi công  đến giai đoạn cuối  nhưng tiến độ chậm, giải ngân chậm, rất khó khăn về vốn vì không được ứng tiếp mà vay ngân hàng thì khó. Các công trình được phép thi công mới rất ít nên lĩnh vực xây lắp gần như không tìm được việc làm mới. Trong năm 2011, các đơn vị trong ngành chỉ ký được một  vài công trình có giá trị trên 5 tỷ đồng, còn lại chỉ nhận các công trình nhỏ 1-2 tỷ đồng và đa phần là các công trình của tư nhân đầu tư để có việc cho công nhân.
 
Đối với các đơn vị tư vấn, năm 2011 cũng trong tình trạng không có việc làm mới. Một số công trình đã hoàn thành hồ sơ tư vấn cuối năm 2010, đầu năm 2011 nhưng bị ngừng không cho khởi công khiến không thể thanh toán được, doanh nghiệp đành phải nợ lương. Các đơn vị tư vấn trong ngành đến những tháng cuối năm 2011 gần như chưa hề quyết toán được lương cho công nhân, mà hàng tháng cố gắng xoay xở để có tiền cho công nhân tạm ứng.

770974_small_69022.jpg

Thiếu vốn, công trình đình hoãn, công nhân thiếu việc

Bức tranh lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng có phần “sáng” hơn vì vốn của họ ổn định, tỷ lệ vốn vay ít. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm các doanh nghiệp này bắt đầu khó khăn vì ứ đọng hàng, không bán được. Lý do là công trình ít khởi công xây mới nên xi măng, gạch ngói không bán được, mặc dù đã hạ giá xuống rất thấp. Đầu tháng 10/2011, có 2 doanh nghiệp phải ngừng lò, lý do là do gạch bị đọng và cũng nhân tiện dịp này doanh nghiệp sửa lại những khâu bị hư hỏng do lụt bão năm ngoái. Doanh nghiệp cũng cố gắng để bố trí được ½ số công nhân có việc để làm, số còn lại phải nghỉ việc. Tính ra toàn ngành có gần 500 lao động phải tạm ngừng việc và không có việc làm thường xuyên trong 2 tháng cuối năm (trong tổng số lao động toàn ngành khoảng 3.000 người). Công nhân tạm nghỉ việc, doanh nghiệp chỉ có thể cố gắng để đóng bảo hiểm chứ chế độ lương ngừng việc thì không thể lo nổi.
 
Đời sống công nhân lao động trong ngành năm nay thực sự khó khăn, tiền lương bình quân đủ ngày công 1 tháng được khoảng trên 2 triệu đồng. Vì lương chậm, đời sống của họ càng chật vật. Những công trình sử dụng vốn ngân sách chậm được thanh toán, gây ách tắc cho doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng lao động không có lương, nợ BHXH, nợ thuế. Điển hình như Công ty xây dựng thuỷ lợi 24 bị chủ đầu tư nợ 70 tỷ, trong đó chậm nộp bảo hiểm phải nộp lãi suất, chậm nộp thuế cũng phải trả lãi suất. Đây là bài toán nhà nước cần nghiên cứu để tháo gỡ nhất là những công trình đã hoàn thành. Bằng mọi cách, bằng mọi nguồn vốn thanh toán cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có điều kiện để tái sản xuất, làm nghĩa vụ cho người lao động và nghĩa vụ với Nhà nước.
 
Qua tìm hiểu, nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết 11/cp của Chính phủ là rất cần thiết, nhưng khi thực hiện thì còn mang tính chung chung, cứ hễ công trình, dự án là đều bị dừng hoặc chậm giải ngân chứ chưa phân biệt được cái nào là hiệu quả, thiết yếu, cái nào là không. Chính phủ cần rà soát lại các danh mục công trình, dự án nào thực sự vẫn thiết yếu và hiệu quả để tiếp tiếp tục cho triển khai chứ  không làm đại trà, vì các công trình đang triển khai mà dừng lại cũng gây ra lãng phí lớn (lập lán trại, điều chuyển xe máy, công nhân, tập kết nguyên vật liệu…). Ví dụ: Dự án về trường học, y tế, nhà ở sinh viên là rất cần thiết, nhưng năm qua vẫn bị ngừng và cầm chừng. Các công trình đã hoàn thành nghiệm thu bàn giao thì cần giải ngân cho thanh toán, các công trình đang tiến hành mà dừng lại thì cần giải ngân phần kỹ thuật đã hoàn thành. Chẳng hạn, công trình đã lập hồ sơ tư vấn thiết kế và đã được phê duyệt mà nay chưa cho khởi công thì phải cho thanh toán phần lập hồ sơ tư vấn.


Thu Huyền