(Baonghean) - Trong 5 năm gia nhập vào ngôi nhà chung "Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An", kinh tế thủy sản Nghệ An đã có bước phát triển khá và tương đối toàn diện.


Tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng cả về nuôi trồng và khai thác. Tổng sản lượng năm 2011 đạt 105.814 tấn tăng 49,26%so với năm 2006.


Phương tiện sản xuất đến năm 2011 toàn tỉnh có 4.201 chiếc tàu thuyền tăng (360 chiếc) so với năm 2006.Song song với việc sắm thuyền to máy lớn, trang thiết bị hiện đại như ra đa, máy dò ngang, máy định vị... ngư cụ đánh bắt cũng được cải tiến cho phù hợp với nhiều nghề khai thác khác nhau. Các hình thức bóng mực, ghẹ, ốcđược bà con áp dụng để bắt hải sản sống, từ đó đã nâng cao được giá trị kinh tế. Các loại nghề mới như chụp mực 4 tăng gông, rê xù, rê khơi được sử dụng để thay thế các nghề truyền thống.




Nuôi tôm thẻ chân trắng một nghề mới đang phát triển ở xã Quỳnh Xuân - Quỳnh Lưu.                                                                  Ảnh: Công Sáng

Mô hình tổ hợp tác khai thác trên biển đã xuất hiện và ngày càng phát triển ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Lò... Đến năm 2011, toàn tỉnh đã thành lập được 159 tổ hợp tác với 1.113 phương tiện có công suất từ 20CV trở lên chiếm 45% lượng tàu có công suất từ 20CV trở lên, 7.800 lao động với nhiều nghề khai thác khác nhau.Hiệu quả từ các tổ hợp tác khai thác hải sản trên biển bước đầu đã cho những kết quả tốt, giảm 20 - 25% chi phí nhiên liệu, giúp thời gian bám biển nhiều ngày hơn, giá trị sản phẩm của mỗi chuyến biển cũng được nâng cao.


Về nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển mạnh trên mọi phương diện: Năm 2011 diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản đạt 22.500 ha; trong đó diện tích nuôi mặn lợ 2.000 ha (1.732 ha nuôi tôm thâm canh). Cùng với mở rộng diện tích hình thức nuôi luân canh, thâm canh tăng vụ phát triển góp phần tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đã hình thành được các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tạo nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, như vùng nuôi tôm Quỳnh Xuân, Mai Hùng, Quỳnh Bảng, Trịnh Môn, Hưng Hòa, Nghi Thái, Diễn Kim,...


Năng suất nuôi, nhất là nuôi tôm đạt khá cao, bình quân năng suất tôm nuôi năm 2011 đạt bình quân gần 6 tấn/ha, nhiều mô hình đạt năng suất 10 - 15 tấn/ha. Trong đó có hơn 1.000 ha nuôi tôm he chân trắng. Đây là vật nuôi được đánh giá là "siêu lợi nhuận". Với năng suất 15 - 20 tấn/ha/năm. Những hộ có trình độ, vốn đầu tư năng suất có thể đạt 30 - 35 tấn/ha và có thể nuôi được 3 vụ trong năm.


Song song với việc phát triển vùng nuôi, việc xây dựng vùng sản xuất giống đã đi trước một bước.Tổng số cơ sở sản xuất giống cấp 1 trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2011 có 64 trại, trong đó 7 trại sản xuất giống cá nước ngọt, 55 trại sản xuất tôm giống. Từ việc cho sinh sản thành công tôm sú, cá rô phi đơn tính, cá tra và gần đây nhất là tôm he chân trắng, Nghệ An đang được coi là Trung tâm giống thuỷ sản của khu vực Bắc Trung bộ.Năm 2011 sản xuất 910 triệu con tôm giống các loại. Công tác kiểm tra, kiểm dịch giống thủy sản được triển khai khá tốt, hầu hết giống du nhập vào tỉnh cũng như sản xuất trên địa bàn trước khi đưa vào nuôi đều được kiểm dịch, do đó tình hình dịch bệnh được khống chế góp phần nâng cao hiệu quả cho người nuôi.


Chế biến thủy sản phục vụ nội địa tiếp tục phát triển, hàng năm cung ứng cho thị trường gần 20 triệu lít nước mắm, trên 15.000 tấn bột cá, 3.000 tấn mắm các loại. Cùng với phát triển về số lượng, chất lượng các sản phẩm cũng được nâng cao, nhiều cơ sở sản xuất đã tạo dựng thương hiệu sản phẩm và có chỗ đứng trên thị trường, nhiều làng nghề chế biến thủy sản được công nhận và hoạt động có hiệu quả.


Cơ sở hạ tầng dịch vụ thủy sản luôn được nhà nước quan tâm và đầu tư khá đồng bộ từ cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão đến hạ tầng vùng nuôi - giống.Bình quân hàng năm nhà nước đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi, vùng giống 17 tỷ đồng. Cùng với nhà nước, hàng năm những người nuôi đã đầu tư trên 20 tỷ đồng vào xây dựng hệ thống ao nuôi, trại sản xuất giống và kết quả đến năm 2011 hình thành trên 1.000 ha nuôi tôm thâm canh, 55 trại sản xuất tôm, hệ thống trại cá cấp một được đầu tư nâng cấp


Đồng thời, với đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực,Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế thủy sản, hàng năm UBND tỉnh đã trích khoảng gần 3 tỷ đồng/năm cho hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách, như chính sách hỗ trợ phát triển trại sản xuất tôm giống, chính sách hỗ trợ chuyển đổi diện tích khác sang nuôi trồng thủy sản, chính sách hỗ trợ lãi suất đóng mới tàu khai thác xa bờ, chính sách hỗ trợ hóa chất dập dịch,...


Công tác khoa học và khuyến ngư cũng được quan tâm và phát triển mạnh, nhiều công nghệ tiên tiến đã được chuyển giao, như công nghệ nuôi tôm sú thâm canh, công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trên các đội tàu khai thác, du nhập các loài giống mới có giá trị kinh tế cao, công nghệ sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, công nghệ sinh sản cá vược, cá tràu đen, cá bống bớp; các quy trình công nghệ nuôi thương phẩm một đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá chình, cá chim biển vây vàng, cá bống bớp, ba ba gai, cá hồi vân, cá lăng chấm, cua lồng...bước đầu có hiệu quả và đang được nhân rộng.


Phát huy truyền thống những thành tựu đạt được và khai thác tiềm năng thế mạnh của 82km bờ biển và hàng ngàn ha ao hồ mặt nước hiện có, thuỷ sản Nghệ An phấn đấu thực hiện phát triển sản xuất đến năm 2020. Với các mục tiêu: Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản thời kỳ 2011 -2015 đạt từ 9-9,5%/năm, thời kỳ 2016 -2020 đạt từ 9,6 - 10%/năm. Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá 1994) năm 2015 đạt 797.440 triệu đồng, năm 2020 đạt 977.185 triệu đồng. Tổng sản lượng thủy sản năm 2015 đạt 105.000 tấn, năm 2020 đạt 110.000 tấn; trong đó sản lượng thủy sản khai thác ổn định 55.000 - 60.000 tấn.


Phát triển đội tàu xa bờ, giảm dần đội tàu gần bờ, trong giai đoạn 2011 - 2015, ổn định số phương tiện khai thác khoảng 4.000 phương tiện, đến năm 2020 số lượng tàu thuyền khai thác giảm xuống khoảng 3.600 - 3.700 chiếc, sản lượng khai thác đạt 55.000 - 60.000 tấn.


Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước, đẩy mạnh phát triển nuôi thâm canh tạo nguyên liệu chế biến xuất khẩu trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cũng như nuôi trồng. Du nhập đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, xây dựng và phát triển Nghệ An là một trung tâm giống thủy sản của vùng Bắc trung Bộ.

Trần Hữu Tiến