Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ & vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, đã báo cáo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) để tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, bà chưa đề cập mức tăng theo đề xuất.
Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là 9 triệu đồng (cho người nộp thuế) và 3,6 triệu đồng (cho người phụ thuộc) đã được áp dụng từ 6 năm trước. Tức là, mỗi cá nhân có một người phụ thuộc sẽ phải nộp thuế khi thu nhập vượt 12,6 triệu đồng một tháng. Mức này, theo các chuyên gia, là "lạc hậu" bởi giá cả và nhiều khoản chi phí khác đều tăng.
Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, Chính phủ có thể trình phương án điều chỉnh mức giảm trừ này nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với khi luật có hiệu lực (1/7/2013). Theo bà Lan, tính đến cuối năm 2018, CPI đã tăng vượt mức 20% so với thời điểm trên nên Tổng cục Thuế mới đưa ra đề xuất.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh, số thu ngân sách sẽ giảm nhưng ảnh hưởng không đáng kể. Số lượng người nộp thuế ở bậc một - bậc thấp nhất sẽ giảm nhưng số tiền thuế của nhóm này chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đã nhận được đề xuất này và đang rà soát để tính toán cặn kẽ, đầy đủ trước khi báo cáo Chính phủ. Theo quy định, Chính phủ sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua việc điều chỉnh.
Tổng cục Thuế cho biết, đến nay đã có 50 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam hiện theo lũy tiến, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35%. Năm 2013, thuế thu nhập cá nhân đóng góp 47.000 tỷ đồng cho ngân sách và tăng lên gần 97.000 tỷ đồng năm 2018. Theo dự kiến, năm 2019, nguồn thu này có thể đạt hơn 113.000 tỷ đồng.