Mùa tuyển sinh đại học năm nay, dư luận sốt xình xịch với chuyện có thí sinh đạt điểm tuyệt đối cả 3 môn xét tuyển đại học mà vẫn cứ “trượt như thường”.
Đơn cử như 30,5 điểm là mức điểm trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân nhưng có đỗ hay không còn phải tính đến một số yếu tố ưu tiên khác. Hay như khối ngành Y - Dược, điểm chuẩn cao nhất của trường ĐH Y Hà Nội năm nay là 29,25 điểm, tiếp tục là một trong những trường dẫn đầu sau khi những năm trước, điểm chuẩn toàn ở mức 27, 28 điểm. Điểm xét tuyển cao khiến nhiều người ngỡ ngàng: “sao học sinh nước mình giỏi thế”.
Ở một khía cạnh khác, mùa tuyển sinh 2017 năm nay trong khi chứng kiến sự lên ngôi của các khối công an, quân đội, y dược hay chí ít cũng là việc giữ vững phong độ của các ngành kinh tế, ngoại thương, công nghệ thông tin… thì khối ngành Sư phạm lại có vẻ “ảm đạm”.
Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Huế đã phải thừa nhận, điểm chuẩn các ngành Sư phạm của trường ĐH Sư phạm Huế thấp nhất là 15,5 - bằng điểm sàn, chứ không phải dưới điểm sàn. So với điểm chuẩn năm 2016, điểm chuẩn của trường này giảm mạnh như ngành Sư phạm Toán giảm 5,5 điểm, Sư phạm Hóa giảm 3 điểm. Còn tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội vốn là cái nôi đào tạo có tiếng cả nước về đội ngũ giáo viên, năm nay điểm chuẩn có ngành cũng chỉ lấy 17,5; 18 điểm. So với mức tăng vọt của các trường “hot” nói trên thì ngành Sư phạm rõ ràng không được mấy thí sinh ưu ái.
Lo lắng cho tương lai của sự nghiệp giáo dục khi không thu hút được người tài đã trở nên hiện hữu khi không có bất cứ thủ khoa THPT quốc gia 2017 nào đăng ký vào trường sư phạm. Chẳng có thí sinh đạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế nào thi vào các trường khối ngành này trong khi ngành Sư phạm thực sự cần người tài để trong tương lai sẽ dẫn dắt những thế hệ học sinh giỏi về kiến thức, tốt về nhân cách.
Lý giải nguyên nhân “ế ẩm” của ngành Sư phạm, TS. Lê Thống Nhất, người thầy sáng lập dự án giáo dục trực tuyến Bigschool cho biết, nếu tra từ khóa “sinh viên sư phạm thất nghiệp”, có thể hiện ra 2.150.000 tin chỉ trong 0,69 giây. Để vào các trường công lập phải chờ có biên chế, mà biên chế không phải lúc nào cũng tăng vì quy mô trường công lập đâu dễ mở rộng. Sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm muốn ứng tuyển vào trường công lập thì phải có người chuyển đi hoặc về hưu. Chưa kể, các thủ tục hành chính đâu có dễ dàng, vì thế hiện tượng “chạy xin việc” với giá cao đã xảy ra ở nhiều nơi.
Bên cạnh đó, nếu chỉ sống bằng tiền lương thì nghề dạy học có thu nhập không khá hơn các nghề khác mặc dù Nhà nước luôn có chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
“Ngày trước, không có thầy cô giỏi thì tôi và các bạn tôi khó có thể đạt được kết quả học tập tốt. Những thầy cô giỏi không chỉ mang đến cho chúng tôi những kiến thức bộ môn mà còn ảnh hưởng tới chúng tôi từ nét chữ, lời nói và cả phong cách sống. Bởi vậy, khi nghĩ đến những thế hệ học sinh tương lai bị thiếu các thầy cô giỏi, cảm thấy thật chạnh lòng, đó sẽ là thiệt thòi lớn cho học sinh”, TS. Lê Thống Nhất chia sẻ.
Theo Anninhthudo