Sáng 9/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020, nhìn lại kết quả công tác trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của ngành Nội chính Đảng.

Tại điểm cầu Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng dự và chủ trì. Tham dự có các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đảng, các bộ, ngành liên quan.

Tại điểm cầu Nghệ An các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

NHIỀU TỈNH, THÀNH LÀM TỐT CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

Dự và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng ghi nhận những kết quả trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua mà ngành Nội chính đã nỗ lực đạt được; góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.

bna_36537289_912021.jpgCác đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Hoài Thu

Đồng chí cũng ghi nhận năm 2020, ngành Nội chính Đảng đã tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, định hướng lớn về công tác nội chính, PCTN và CCTP.

Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cấp ủy địa phương ban hành 2.582 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nội chính, PCTN, CCTP. Trong đó, Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã làm khá tốt công tác này là: Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Nghệ An, Hà Giang, Hòa Bình, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Lào Cai,  Ninh Thuận, Quảng Nam, Tây Ninh…

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành đã chủ động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; tham mưu có hiệu quả việc xử lý kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đặc biệt, Ban Nội chính Trung ương đã tích cực, kiên trì, bản lĩnh, quyết liệt trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; chủ trì, phối hợp với các cơ quan tố tụng Trung ương tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Cử tri Nghệ An đề nghị Nhà nước xử lý nghiêm những cán bộ làm thất thoát ngân sách, tham nhũng. Ảnh tư liệu Phạm Bằng

Trong đó, đến nay đã chỉ đạo xử lý 65 vụ án, 24 vụ việc, đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 20 vụ án/115 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ/84 bị cáo với những mức án nghiêm khắc, trong đó có cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu, khẳng định rõ quyết tâm PCTN “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, nhìn lại công tác nhiệm kỳ qua, hội nghị cũng đánh giá những ưu điểm, tồn tại cần khắc phục trong các lĩnh vực công tác, như công tác kiểm tra, giám sát, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức bộ máy ngành Nội chính…

Hội nghị cũng được nghe nhiều báo cáo, tham luận của các tỉnh, thành phố về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác nội chính, những bài học thực tế tại địa phương.

TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2021

Dự báo thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ thì đất nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2021 cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cũng là năm triển khai chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Vì vậy, nhiều nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nội chính cần được thực hiện như: Chỉ đạo, rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những “khoảng trống”, “kẽ hở” trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về nội chính, PCTN và CCTP.

Năm 2020, ngành Nội chính đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng xử lý 65 vụ án, 24 vụ việc, đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 20 vụ án/115 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ/84 bị cáo với những mức án nghiêm khắc. Ảnh tư liệu

Chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo là “có vụ việc thì phải được xác minh làm rõ”, “tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng.

Nâng chất lượng công tác thẩm định, tham gia ý kiến đối với các dự án luật, đề án, các văn bản quan trọng về nội chính, PCTN và CCTP; tham gia có trách nhiệm, chính xác, khách quan, thận trọng về công tác cán bộ.

Tại hội nghị này, Ban Nội chính Trung ương và đồng chí Võ Văn Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất./.