Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường  Việt Nam (VSSA) cho biết, đã 15 ngày nay các doanh nghiệp mía đường trong nước không bán được sản phẩm, dù giá đường đã xuống 'đáy' chỉ còn 12.000 đồng/1kg.

Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện cam kết

Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp cần sử dụng đường đang chờ đợi thêm 2 tháng nữa là vào đầu  2018, Việt Nam chính thức thực hiện lộ trình cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tức là các nước trong khối sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu đường vào Việt Nam, trong khi thuế suất, nhập khẩu chỉ là 5%.

1509415690121.jpgGiá đường giảm còn 12.000 đồng/kg, ngành mía đường "kêu cứu" .

“Đây là thách thức lớn đối với ngành công nghiệp mía đường còn đang yếu kém, hiện tại dù chưa “mở cửa” nhưng đường lậu tràn vào Việt Nam cũng đã làm cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng”, ông Phạm Quốc Doanh cho biết.

VSSA cho biết, ngành mía đường không chỉ đảm bảo mục tiêu đạt 1 triệu tấn, góp phần chủ động sản lượng đường trong nước, giải quyết việc làm cho 33.000 công nhân, 1,5 triệu lao động tham gia vào trồng mía mà còn góp phần vào kim ngạch xuất khẩu.

Theo thống kê, 9 tháng đầu năm các doanh nghiệp mía đường đã xuất khẩu 44.000 tấn sang 28 quốc gia trên toàn thế giới. 

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành đường, VSSA đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA đến năm 2022, nếu sớm hơn là 2020. Thay vào đó, lượng nhập khẩu hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5%  của năm 2017. 

Đồng thời, VSSA cũng kiến nghị, thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan cũng giảm 50% so với trước đây chỉ còn 40% đối với đường thô và 45% đối với đường trắng. “Hiện tại cũng đã có những nước không thực hiện các hiệp định thương mại tự do còn chúng tôi chỉ dám để xuất kéo dài thời gian thực hiện cam kết này và vẫn tăng thêm mức nhập khẩu hạn ngành thuế quan”, đại diện VSSA cho biết.

Trước đó, ngày 6/10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về đề xuất của VSSA. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT và các cơ quan địa phương xem xét kiến nghị của VSSA, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10.

Tuy nhiên, dù hôm nay đã đến thời hạn báo cáo nhưng được biết, Bộ Công Thương vẫn chưa hoàn thiện được báo cáo do đơn vị này cho rằng, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều khác nhau về kiến nghị lùi thời hạn thực hiện cam kết Hiệp định ATIGA trong khối ASEAN đối với mặt hàng đường như kiến nghị của VSSA.

Theo VSSA, người thiệt thòi nhất chính là những người nông dân trồng mía.

Thiệt thòi nhất là nông dân

VASA cho rằng, nếu thực hiện ngay cam kết bỏ hạn ngạch thuế quan từ năm 2018 thì người thiệt thòi nhất sẽ chính là nông dân. Bởi thực tế, đối với ngành mía đường, đến nay cả nước có 41 nhà máy với tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn/ngày, tăng 12,7 lần so với năm 1995.

Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, để các nhà máy đường có thể sản xuất hiệu quả cần có công suất ép 6.000 tấn mía/ngày nhưng trong số 41 nhà máy mới chỉ có 8 nhà máy đạt được công suất này.

VASA cho rằng, đầu năm 2018, nếu bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường như cam kết Hiệp định ATIGA trong khối ASEA thì kịch bản xảy ra là: Các nhà máy đường có công suất nhỏ và công nghệ lạc hậu sẽ gặp khó khăn, có thể sẽ chuyển hết sang nhập đường thô về tinh luyện và không thu mua mía của nông dân nữa. Chỉ cần nhập khẩu đường thô về tinh luyện, các nhà máy đường vẫn có thể duy trì được sản xuất.

VSSA cho rằng, nếu thực hiện ngay cam kết Hiệp định ATIGA với khối ASEAN thì chắc chắn ngành mía đường trong nước sẽ bị Thái Lan  “thôn tính”  và sau đó cả khu vực ASEAN chỉ còn Thái Lan thống lĩnh mặt hàng đường, vốn là mặt hàng được coi là nhạy cảm, thậm chí có nước xếp vào rất nhạy cảm.

Hiện tại, sản lượng đường của Thái Lan là 11 triệu tấn/năm. Chỉ mới có đường nhập lậu của Thái cũng đã làm cho doanh nghiệp mía đường trong nước điêu đứng.

Tuy nhiên, người thiệt thòi nhất chính là những người nông dân trồng mía. “Hiện diện tích trồng mía của nông dân trên cả nước là 300.000 ha, trong đó cũng đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh cho hiệu quả cao. Nếu doanh nghiệp mía đường gặp khó khăn sẽ phải giảm giá thu mua mía xuống, không thể giữ tối đa từ 850.000 đến 1 triệu đồng/tấn mía như hiện nay. Như vậy, sẽ có khoảng 33 vạn hộ nông dân với 1,5 triệu lao động tham gia trồng mía cho các nhà máy đường sẽ gặp khó khăn”, ông Doanh nói.

VSSA cũng cho biết, hiện đã vào mùa vụ mía đường được 15 ngày nhưng do các nhà máy không bán được đường nên không còn tiền thu mua mía cho nông dân. Trong khi giá nhân công thu hoạch mía ở Tây Nguyên đã lên tới 400.000 đồng người/ngày công nhưng có thu hoạch mía thì nông dân cũng không thể bán được, còn để mía lại ruộng thì trữ lượng đường sẽ giảm, giá thu mua cũng giảm. Cả nông dân và doanh nghiệp mía đường đang rơi vào tình cảnh “ngồi trên đống lửa” chờ giải cứu từ phía các cơ quan chức năng.

Theo Báo Dân Việt

TIN LIÊN QUAN