(Baonghean) - Mặc dù kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng mũi nhọn của huyện Tân Kỳ có bước tiến rõ rệt, được xếp vào tốp đầu toàn tỉnh. Đó là hiệu quả tích cực từ việc triển khai đề án “nâng cao chất lượng mũi nhọn trường phổ thông giai đoạn 2012 - 2017”.

Chúng tôi đến Trường THCS Nguyễn Trãi, trường chuyên của huyện Tân Kỳ vào dịp thầy, trò vừa kết thúc chương trình học kỳ 1 năm học 2014 - 2015 với những kết quả tích cực. Thầy Trần Xuyên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Toàn thể giáo viên và học sinh chúng tôi luôn tự hào về bề dày truyền thống của nhà trường. Đặc biệt, về chất lượng mũi nhọn, trường luôn dẫn đầu, xứng đáng là trường trọng điểm của huyện”. Như để chứng minh điều mình vừa nói, thầy nêu kết quả năm học 2013 – 2014 của trường với 39% học sinh xếp loại giỏi, 52,5% loại khá, chỉ có 8,5% xếp loại trung bình. Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, hàng năm trường đều có gần 200 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, 15 - 20 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, đưa ngành Giáo dục huyện Tân Kỳ từ vị thứ 12 lên thứ 3 toàn tỉnh về tỷ lệ học sinh giỏi. 

Tiết học Ngữ văn của lớp 8B, Trường THCS Nguyễn Trãi (Tân Kỳ).
Tiết học Ngữ văn của lớp 8B, Trường THCS Nguyễn Trãi (Tân Kỳ).

Nhờ nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua, Trường THCS Nguyễn Trãi có nhiều gương mặt tiêu biểu, theo học các trường chất lượng cao như em Nguyễn Võ Huy học tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, từng đạt giải Nhất môn tiếng Anh toàn tỉnh, hiện đang học lớp 11 chuyên Anh; Nguyễn Tuấn Anh đạt giải Ba môn Toán cấp tỉnh, đang học hớp 12 chuyên Toán, năm lớp 11 em đạt giải Ba môn Toán cấp quốc gia; Lê Thùy Dung, giải Nhì môn toán cấp tỉnh, nay học lớp 10 chuyên Toán; Lê Hữu Hải, giải Ba môn toán cấp tỉnh năm học 2013 - 2014, được Sở Khoa học và Công nghệ tặng thưởng giải Ba cho sản phẩm nghiên cứu khoa học, hiện nay là lớp trưởng lớp 10A1 chuyên Toán... Để nâng cao chất lượng giáo dục, trường quan tâm sắp xếp, chọn lọc đội ngũ giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi. Sớm phát hiện, bồi dưỡng và tạo nguồn, định hướng cho những học sinh có năng khiếu và thành tích nổi bật trong các môn học. Cùng đó, tăng cường phối hợp giữa nhà trường và các bậc phụ huynh kịp thời động viên em vươn lên trong học tập. 

Còn đối với Trường THCS Nghĩa Đồng, với bề dày truyền thống 54 năm, trường đang được đề nghị Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Những năm học gần đây, trường đều có trên dưới 100 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, trên 10 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Riêng năm học 2013 - 2014 có 13 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Không có lợi thế được lựa chọn giáo viên và đầu vào của học sinh như trường trọng điểm của huyện, Trường THCS Nghĩa Đồng có cách làm riêng để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là quan tâm phát triển chất lượng mũi nhọn. Đó là phát huy tối đa kinh nghiệm, sự nhiệt tình và năng động của đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, tạo động lực để giáo viên chuyên tâm vào công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi. Đồng thời, không ngừng động viên, khích lệ học sinh, tạo nên không khí thi đua lành mạnh để các em phấn đấu vươn lên đạt kết quả cao trong học tập, mạnh dạn tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Không chỉ ở vùng trung tâm huyện hay vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi mà các xã vùng sâu, vùng xa như Phú Sơn, Nghĩa Hành, Nghĩa Thái cũng có những bước chuyển biến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng mũi nhọn. Đây chính là yếu tố quan trọng đưa Tân Kỳ lên vị trí thứ 4 về chất lượng giáo dục trong năm học 2013 - 2014, chỉ đứng sau Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò và huyện Đô Lương. 

Vậy đâu là bí quyết đưa ngành Giáo dục huyện Tân Kỳ làm nên bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng mũi nhọn, trở thành niềm mơ ước của các huyện miền núi - vùng cao? Trao đổi với chúng tôi, cô Thái Thị Hồng – Phó trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện cho biết: “Từ đầu năm 2012, UBND huyện triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng mũi nhọn trường phổ thông giai đoạn 2012-2017” với những giải pháp và bước đi hợp lý, từ đó cho thấy hiệu quả được nâng lên rõ rệt”. Trên cơ sở những thuận lợi và khó khăn của địa phương, đề án đặt ra chỉ tiêu phấn đấu 60% học sinh tham gia dự thi đạt học sinh giỏi cấp huyện và 50% trở lên đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, tỷ lệ học sinh thi dự thi đậu vào các trường đại học hàng năm đạt từ 50% trở lên.

Giải pháp cơ bản là tăng cường các hoạt động chuyên môn của đội ngũ giáo viên, đổi mới công tác quản lý, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, làm tốt công tác xã hội hóa và đẩy mạnh thi đua khen thưởng. Trong đó, việc đổi mới phương pháp dạy học và xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao được xem là khâu quan trọng, quyết định sự thành bại của đề án. Đề án cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho ngành Giáo dục và các ban, ngành liên quan, các địa phương và trường học thực hiện một cách nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao. 

Tính đến thời điểm hiện nay, việc triển khai đề án mới được nửa chặng đường nhưng đã khẳng định được hiệu quả thông qua những con số về tỷ lệ học sinh giỏi các cấp và học sinh đậu vào các trường đại học. Năm học 2012 - 2013, tỷ lệ đậu học sinh giỏi cấp tỉnh (THCS) ở mức 52,7% số em dự thi, năm học 2013 - 2014 con số này lên tới 73,5%. Tương tự, tại kỳ thi Olympic tiếng Anh cấp tỉnh tăng từ 46,7% lên 73,3%. Cùng với đó, số lượng học sinh tốt nghiệp thi đậu vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Khối chuyên Đại học Vinh cũng được tăng lên đáng kể. Ở cấp THPT, số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh tăng từ 50 em (năm học 2012 - 2013) lên 100 em (năm học 2013 - 2014). Trong năm 2014 vừa rồi, toàn huyện có hơn 850 em thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, một con số khá ấn tượng đối với một huyện miền núi.

Từ kết quả rà soát việc thực hiện đề án, ngành Giáo dục huyện Tân Kỳ rút ra được những bài học bổ ích để tiếp tục phát huy trong chặng đường kế tiếp. Đó là bằng mọi cách phát huy hết khả năng sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết, say mê của giáo viên và học sinh, lấy chất lượng học sinh làm thước đo hiệu quả gắn liền với công tác thi đua, khen thưởng. Làm tốt công tác phối hợp với gia đình, vận động các bậc phụ huynh đầu tư về thời gian, động viên tinh thần cho các em học tập. Xây dựng và phát huy vai trò của các trường trọng điểm, trường chất lượng cao ở các cấp học, tích cực phát hiện và kịp thời bồi dưỡng những em có năng khiếu và tinh thần học tập. Kịp thời khen thưởng, vinh danh các đơn vị, cá nhân về thành tích đạt được để động viên, khích lệ cán bộ giáo viên, học sinh vươn lên trong dạy và học. 

Bài, ảnh: CÔNG KIÊN