Ngổn ngang vỉa hè…
Gần đây, ở TP. Vinh, vỉa hè trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Trường Chinh, Minh Khai, Đặng Thái Thân, phía Nam kênh Bắc đường Nguyễn Sỹ Sách,… bị đào xới khiến các hạng mục khác bị ảnh hưởng, xô lệch.
Tại đường Nguyễn Duy Trinh, từ UBND phường Hưng Dũng xuống ngã tư đường Nguyễn Viết Xuân, sau nhiều năm xuống cấp, mặt đường vừa được rải thảm nhựa năm 2018, bề rộng đủ 2 làn xe gần 7m nhựa. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, triển khai dự án chống ngập úng, do đường chật và chưa có vỉa hè nên một số đoạn, từ 0,8-1,2 m dọc đường nhựa bị xẻ đào để đặt mương thoát. Sau gần 5 tháng thi công, tuyến mương đã gần hoàn thành nhưng hiện trường phía trên vỉa hè thì lại ngổn ngang.
Ông Nguyễn Hoàng Huy - một hộ dân tại số 60 đường Nguyễn Duy Trinh, cho biết: Sau khi lắp đặt xong cống, nhà thầu chỉ lấp tạm và để vậy vài tháng nay rồi, mọi sinh hoạt của người dân đều rất bất tiện. Hè đến, ngày nào chúng tôi phải cũng tưới nước để cát bụi khỏi bay vào nhà.
Ngoài điểm trên, ở phía cuối đường Nguyễn Duy Trinh tiếp giáp với đường Nguyễn Viết Xuân, do mặt đường bị xén mất 1/3 để lắp cống thoát và sau khi lắp cống xong thì đơn vị thi công chỉ đổ cát tạm, xe cộ không đi lại được nên vào giờ cao điểm, nút giao thông này thường xuyên bị ách tắc.
Tại đường Minh Khai, hiện một số đoạn vỉa hèđã lắp mương xong nhưng hoàn trả mặt bằng khá qua loa, một số đoạn vật liệu tập kết khá lộn xộn. Đại diện một cơ quan đóng trên tuyến đường này cho biết: Vỉa hè bị trưng dụng thi công mương chống ngập đã hơn 2 tháng. Mặc dù thi công theo hình thức cuốn chiếu nhưng tiến độ rất chậm và khâu san lấp, hoàn trả mặt bằng sau thi công chưa được quan tâm chu đáo. Nếu không làm cẩn thận, khi mưa xuống, đất cát sẽ theo các khe hở chảy xuống mương gây sụt lún, sạt lở thì rất nguy hiểm cho người và xe cộ.
Quan sát hiện trường chúng tôi nhận thấy, mặc dù đơn vị thi công đã cố gắng để hạn chế tác động ảnh hưởng đến cây xanh và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của kênh nhưng thực tế vẫn bị ảnh hưởng, một số đoạn vỉa hè đổ bê tông lắp lan can sắt khá kiên cố đã bị máy múc xới lên bong tróc. Một người dân tại xóm Tân Lộc, xã Hưng Lộc chua xót nói: Dự án đào vỉa hè quy mô lớn như thế này chắc đã được cấp có thẩm quyền cấp phép nhưng công trình kênh vừa xong và mặt bằng sạch sẽ chưa lâu, giờ lại ngổn ngang thật là tiếc. Người dân đang chờ xem đơn vị hoàn trả mặt bằng như thế nào.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, không chỉ vỉa hè các tuyến phố trên mà một số dự án khu dân cư tại xã Nghi Phú hay xã Nghi Kim, do hạ tầng kỹ thuật đầu tư chưa đồng bộ nên liên tục bị đào xới. Một người dân tại dự án khu dân cư đồng Cánh Phượng thuộc xóm 9, xã Nghi Phú phản ánh: Mới đến làm nhà được vài năm nhưng vài năm lại thấy đào vỉa hè trước nhà, đơn vị viễn thông vừa thi công dang dở, chưa lấp thì cấp nước đến lại đào lên. Thật không thể hiểu nổi!
Tăng cường giám sát, hạn chế đào vỉa hè, cắt đường
Theo các nhà quản lý đô thị, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do quy hoạch và đầu tư hạ tầng đô thị TP. Vinh chưa đồng bộ. Vì thế nên đơn vị quản lý về đường giao thông, vỉa hè có nguồn thì chỉ lo làm đường, vỉa hè; khi đường làm xong thì viễn thông, thoát nước mới có nguồn triển khai nên buộc phải xin phép để đào cắt… Đây là thực trạng chung của các đô thị nước ta và TP. Vinh trong quá trình nâng cấp, chỉnh trang nên không là ngoại lệ. Trên thực tế, cách đây mấy năm, khi tình trạng đào vỉa hè và cắt đường gia tăng, trên cơ sở phản ánh của dư luận báo chí, Chủ tịch UBND TP.Vinh có chỉ thị nghiêm cấm và chỉ những trường hợp cần thiết được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt mới được đào xới vỉa hè, cắt đường; khi thi công xong thì phải hoàn trả mặt bằng đúng nguyên trạng như cũ.
Hiện nay, để quản lý, giám sát việc đào vỉa hè, thành phố Vinh và các đô thị lớn đều có cơ chế buộc chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công hạ tầng làm sau phải đặt cọc với cơ quan quản lý đô thị, khi nào làm xong và được nghiệm thu thì mới được trả lại tiền cọc trên, trường hợp nếu làm ẩu, làm chậm thì bị phạt và trích khoản tiền đặt cọc ra để khắc phục. Tuy nhiên, tại TP. Vinh, đơn vị nhận, quản lý tiền đặt cọc và cấp phép là Phòng quản lý đô thị thuộc UBND thành phố, nhưng do nhân lực mỏng và phần nào là phối hợp chưa tốt với phường, xã nên giám sát chưa hiệu quả.Được biết, thực hành Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, mỗi đơn vị, sở ngành mỗi năm chỉ tiết kiệm được vài tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng và cả tỉnh mỗi năm chỉ tiết kiệm được mấy chục tỷ đồng, nên tiết kiệm, chống lãng phí từ các công trình đầu tư công bằng hạn chế đào vỉa hè rất đáng cân nhắc, suy nghĩ.
Theo các chuyên gia, nếu như lắp đặt chỉ mất 1 công thì khi đào phá mất đến 1,5,-2 công, nên rất tốn kém, lãng phí. Vì vậy, trong thời gian tới, TP. Vinh nói riêng và các huyện, thị khác nói chung khi làm các công trình hạ tầng cần rà soát lại để triển khai đồng bộ, hạn chế tình trạng nhà đầu tư hạ tầng viễn thông vừa làm xong thì đơn vị cấp nước hoặc tiêu úng lại đến đào vỉa hè, dẫn đến lãng phí tiền của nhà nước, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình, vỉa hè nói chung.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu về giao cơ chế giám sát, quản lý tiền đặt cọc hoàn trả mặt bằng công trình, trong đó có vai trò giám sát của chính quyền địa phương; đơn vị nào thi công, hoàn trả mặt bằng không đảm bảo thì sẽ trích tiền cọc ra thuê đơn vị thi công về đô thị thực hiện; nếu vi phạm xử phạt thật nghiêm minh theo quy định.