(Baonghean) - Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đô Lương luôn đồng hành cùng người nghèo trên địa bàn huyện, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mình. Tính đến hết quý I/2017, Ngân hàng đã giải ngân cho trên 15.700 khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, học sinh và sinh viên. 

Hỏi về  gia đình bà Nguyễn Thị Bình (SN 1959) và ông Đặng Quang Đường (SN 1955) ở xóm 6, xã Thái Sơn (Đô Lương) được nhiều người biết; vì ông bà là một trong những hộ nghèo nuôi con học giỏi, thành đạt: cả 5 người con đều vào đại học, hiện 4 người đã ra trường, có việc làm ổn định; người con trai út đang học năm thứ hai Đại học Công nghệ thông tin Hà Nội.

images1919371_1.jpgNhờ vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Đô Lương mà vợ chồng ông Đặng Quang Đường ở xóm 6, xã Thái Sơn (Đô Lương) nuôi 5 con ăn học đại học. Ảnh: Thanh Hiền

Bà Nguyễn Thị Bình cho biết: Gia đình làm nghề nông, quanh năm nhìn vào 12 sào ruộng lúa, nuôi thêm lợn, gà để có thêm thu nhập nuôi các con ăn học trưởng thành. 5 người con đều học giỏi. Con gái đầu đậu Đại học y học cổ truyền, con trai thứ 2 đậu Đại học y Thái Bình, con trai thứ 3 đậu Đại học Công Đoàn, con trai thứ 4 đậu Đại học Xây dựng... Để có tiền trang trải ăn học cho các con, năm 2007, ông bà vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 4 triệu đồng theo diện vay vốn sinh viên nghèo. Và từ năm 2007 đến năm 2014, ông bà đã vay tổng cộng 150 triệu đồng. Tháng 2/2017, ông bà đã trả hết nợ. Theo ông Đặng Quang Đường thì nếu như không có sự giúp đỡ, tạo điều kiện cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đô Lương, thì chắc chắn ông bà rất khó khăn trong việc nuôi 4 người con ăn học đại học.

Còn với vợ chồng anh Trần Hữu Đức (SN 1987) và chị Đoàn Thị Thanh (SN 1988) ở xóm 7, xã Thuận Sơn lại vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đô Lương để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đến thăm trang trại chuyên nuôi gà giống, gà thịt rộng 10ha của anh Đức, mới thấy hết quyết tâm làm ăn của hai vợ chồng. Trên diện tích 10 ha, vợ chồng anh quy hoạch 1ha ao nuôi cá, 7ha keo, 3ha xoan đâu, lát hoa tất cả đã đến kỳ thu hoạch, bên dưới tán cây là 19 ô chuồng trại chăn nuôi gà đồi; mỗi năm xuất chuồng 7 vạn con; tổng thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Để tăng thêm nguồn vốn, mở rộng quy mô trang trại, năm 2016 vợ chồng anh Đức vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đô Lương 50 triệu đồng. Anh Đức cho biết: Hướng sắp tới của gia đình là sau khi thu hoạch các loại cây, sẽ tiếp tục trồng các loại cây mới, đồng thời tăng cường mở rộng trang trại chăn nuôi gà thịt, gà đồi, cá, vịt trời, nhím...

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Kỳ - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đô Lương, được biết: Phát huy hiệu quả đã đạt được trong những năm qua, ngay từ đầu năm 2017, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Đô Lương tiếp tục bám sát Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng, Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 463/KH-UBND của UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác tín dụng chính sách trên địa bàn toàn huyện ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm, kế hoạch cụ thể: Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương mới đến các thành phần kinh tế trên địa bàn toàn huyện. Cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ huyện cho đến xã và các cơ quan ban, ngành liên quan cùng Ngân hàng CSXH tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện một cách mạnh mẽ các chỉ thị, kế hoạch cấp trên. Các đơn vị ủy thác cấp huyện đã chỉ đạo các đơn vị ủy thác cấp xã và ban quản lý Tổ TK&VV tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác bình xét cho các đối tượng được vay và tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH để tổ chức giải ngân, quản lý chặt chẽ các chương trình tín dụng, nhằm thực hiện tốt xã hội hóa công tác tín dụng trên địa bàn toàn huyện. Kết quả chất lượng tín dụng luôn được duy trì ở mức cao, thể hiện tỷ lệ thu nợ đúng hạn quý I/2017 đạt 70% số nợ đến hạn phải thu.  

Trang trại chăn nuôi kết hợp của anh Trần Hữu Đức ở xóm 7, Thuận Sơn (Đô Lương) cho thu nhập 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Thanh Hiền

Đã có hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện Ðô Lương vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tính đến hết quý I/2017, doanh số cho vay trong quý đạt 39.988 triệu đồng, so cùng kỳ năm ngoái doanh số cho vay tăng 9.997 triệu đồng. Một số chương trình tín dụng có doanh số cho vay lớn đó là: Cho vay hộ cận nghèo 12.667 triệu đồng, cho vay hộ nghèo 8.120 triệu đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 7.391 triệu đồng, cho vay nước sạch và VSMTNT 6.324 triệu đồng... Tổng dư nợ đến ngày 31/03/2017 đạt 350.610 triệu đồng, so với đầu năm tăng 4.446 triệu đồng, tốc độ tăng 1,28%.  Một số chương trình có dư nợ tăng trưởng lớn so đầu năm đó là: Hộ nghèo tăng 3.566 triệu đồng, hộ cận nghèo tăng 2.918 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo tăng 4.471 triệu đồng, nước sạch và VSMTNT tăng 902 triệu đồng. Bên cạnh đó, chương trình cho vay học sinh, sinh viên có dư nợ giảm lớn so với đầu năm là 7.235 triệu đồng, tỷ lệ giảm 8,46%.

Ðể đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng nhanh nhất và sử dụng có hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ðô Lương đã xây dựng mạng lưới, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện phương thức ủy thác cho vay. Hiện tại có 33 điểm giao dịch của Ngân hàng đặt tại trung tâm xã, với 406 tổ vay vốn thực hiện các giao dịch giải ngân, thu nợ, thu lãi công khai hóa các chủ trương, chính sách, đối tượng thụ hưởng, các chỉ tiêu kế hoạch ngay tại trụ sở UBND xã.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với sự đầu tư đúng hướng nên các hộ nghèo, gia đình chính sách của huyện Đô Lương đã phát huy nguồn vốn vay vươn lên phát triển kinh tế góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. 

Thanh Hiền

TIN LIÊN QUAN