(Baonghean) - Dịch bệnh sâu róm hại rừng thông đang phát triển mạnh ở huyện Nghi Lộc và lan ra các huyện như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Yên Thành. Trước tình hình đó, UBND tỉnh vừa có công điện chỉ đạo các địa phương phòng trừ dịch bệnh, tránh nguy cơ lây lan trên diện rộng. 

Kiểm tra sâu róm phá hại rừng thông ở xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc.
TIN LIÊN QUAN
Theo chân ông Hoàng Văn Thức, đến khu vực rừng thông ở xóm 14, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc. Nhìn từ xa, một phần rừng thông ở đỉnh núi đã bị sâu ăn trụi lá, ngả màu thâm. Phía dưới chân núi, những khoảnh thông con ở tuổi thứ 2, thứ 3 đã xuất hiện sâu róm với mật độ hơn 100 con/cây. Ông Thức cho biết, đây là khu vực giáp ranh với xã Nghi Yên và dịch sâu róm đã lây lan từ xã Nghi Yên sang Nghi Tiến hơn 1 tháng nay. Để cứu rừng thông, gia đình ông Thức đã diệt sâu róm bằng phương pháp thủ công nhử đèn nhưng hiệu quả không cao, hiện nay, đã có khoảng 5 ha rừng thông của ông Thức bị sâu róm tấn công toàn xã Nghi Tiến có đến 117,9 ha rừng thông bị nhiễm sâu róm nặng. 

Dịch sâu róm năm nay xuất hiện sớm ở vùng rừng thông thuộc xã Nghi Yên (Nghi Lộc). Bắt đầu từ các cánh rừng thuộc Khoảnh 2, Tiểu khu 961, sau đó, lan sang các cánh rừng thuộc vùng Vi Ba đổ ra Quốc lộ 1 cũng như các cánh rừng Động Chòi, Rú Sắt, Khe Chanh, Rú Nho với mật độ 150 con/cây. Đến thời điểm này, xã Nghi Yên có hơn 600 ha rừng thông bị nhiễm, trong đó có 30 ha thuộc diện nhiễm cá biệt với mật độ trên 250 con/cây, 594 ha nhiễm nặng với mật độ trên 150 con/cây. Ngoài xã Nghi Yên, Nghi Tiến, dịch sâu róm đã lan rộng sang các xã Nghi Hưng (184 ha), Nghi Đồng (gần 200 ha), Nghi Quang (28 ha), Nghi Lâm (28 ha), Nghi Văn (114 ha),… Hiện nay, sâu róm thông đang sinh trưởng và phát triển ở thế hệ thứ 4, toàn huyện có hơn 1.500 ha rừng thông bị nhiễm sâu róm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sâu róm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc đã tổ chức kiểm tra và tiến hành các biện pháp dập dịch bằng phương pháp thủ công và dùng máy phun thuốc. Tuy nhiên, vì địa hình phức tạp, thời tiết diễn biến thất thường và thiếu kinh phí nên việc dập dịch sâu róm chưa thực sự hiệu quả. Đến nay, mới chỉ có khoảng 46 ha rừng thông được phun thuốc. Anh Trần Văn, Trưởng phòng kỹ thuật - kế hoạch, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc cho biết, đến thời điểm này, ban đã chi ngân sách khoảng 1,2 tỷ đồng để phun thuốc tiêu diệt sâu róm. Tuy nhiên, do mưa nhiều khiến việc phun thuốc không đạt hiệu quả. Ban Quản lý rừng phòng hộ đã kiến nghị với Sở NN&PTNT hỗ trợ kinh phí, vật tư để tiếp tục mở rộng diện tích phun, ngăn chặn không cho dịch sâu róm bùng phát. Bên cạnh đó, huyện Nghi Lộc cũng khuyến cáo người dân không nên vào các khu vực rừng thông đang xảy ra dịch, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hiện nay, dịch bệnh sâu róm đã xuất hiện ở nhiều cánh rừng thông thuộc các huyện như Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên… Dù mức độ nhẹ hơn các cánh rừng thông ở huyện Nghi Lộc nhưng dịch sâu róm bùng phát sẽ gây thiệt hại nặng, dẫn đến cháy tán lá nếu không được phòng trừ kịp thời. Trước diễn biến bất lợi của dịch bệnh, mới đây, UBND tỉnh có Công điện số 28/CĐ-UBND, yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị có rừng thông và các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng trừ sâu, sâu róm thông thế hệ IV/2014 ở các địa phương; thành lập các đoàn công tác xuống các địa phương có rừng thông nguy cơ bị sâu róm thông gây hại nặng để kiểm tra, chỉ đạo hướng dẫn chủ rừng thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng trừ; đồng thời theo dõi, đánh giá kết quả tổ chức chỉ đạo phòng trừ của chủ rừng, lãnh đạo địa phương; các xã, nơi có rừng thông nguy cơ cao bị sâu gây thiệt hại nặng để đôn đốc các chủ rừng trên địa bàn điều tra, khoanh vùng diện tích nhiễm sâu và huy động phương tiện, máy móc, vật tư để tổ chức phòng trừ kịp thời khi sâu phát sinh, không để sâu lan rộng;  chủ động cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ các hộ, các chủ rừng có nguy cơ bị sâu róm thông thế hệ IV mua thuốc BitadinWP, Vi-BT, VBT và máy bơm, phòng trừ theo khuyến cáo của cơ quan bảo vệ thực vật và tổ chức phòng trừ hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương về nguy cơ của sâu hại và các biện pháp phòng trừ để nông dân biết và tổ chức phòng trừ hiệu quả…

Nguyên Khoa