Quang cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VTV.vn Ngày làm việc thứ 10, kỳ họp thứ 5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Sau khi nghe báo cáo, một số đại biểu đề nghị bổ sung nội dung khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao trong công nhân. Một số ý kiến khác lại không đồng ý với quan điểm này.
Góp ý vào Báo cáo giải trình, một số ý kiến cho rằng để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em hiện nay, dự thảo cần bổ sung quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa. Vấn đề này nhận được ý kiến trái chiều của các đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc tăng hoặc giảm thời lượng môn giáo dục thể chất cần được xem xét trên các phương diện khác nhau. Nếu bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực cho nhà trường, giáo viên cũng như phụ huynh, học sinh, nhất là trong điều kiện các trường học, cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất.
Buổi chiều các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Các đại biểu đoàn Nghệ An thảo luận tại tổ. Ảnh: Huyền Thương Phát biểu tại tổ, các đại biểu Đoàn ĐBQH Nghệ An cơ bản nhất trí với dự thảo luật và báo cáo giải trình của Ủy ban tư pháp. Đối với một số nội dung khác nhau của dự thảo luật, một số đại biểu cho rằng tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước đã xuất hiện và phát triển phức tạp, khó kiểm soát.
Đại biểu Hồ Đức Phớc - Tổng kiểm toán Nhà nước cho rằng dự thảo đang nặng về các quy định phòng chống tham nhũng đối với khu vực công, nhưng còn nhẹ về khu vực tư tạo nên sự thiếu toàn diện và chưa đủ các chế tài ngăn chặn tham nhũng thất thoát. Do vậy, đề nghị dự thảo luật cần có quy định đối với hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An. Ảnh: Vnexpress Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng dự thảo luật cần quy định rõ, bao quát về việc đạt lợi ích vật chất hoặc phi vật chất cho mình, cho tập thể và cho người khác. Bên cạnh đó, dự thảo luật cần có các quy định về trách nhiệm, cơ chế của người đứng đầu trong phòng ngừa tham nhũng sớm.
Đồng ý với ý kiến các đại biểu, đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đề nghị dự thảo Luật quy định về kê khai tài sản thu nhập để đảm bảo tính hợp lý, cần có cơ chế giải thích rõ ràng để đảm bảo luật áp dụng được thực tiễn khi thông qua. Trong các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật cần quy định cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.