(Baonghean) - Thứ năm, ngày 26/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher - người mang "sứ mệnh" kêu gọi các bên Nga, Ukraina, Pháp và Đức tôn trọng các điều khoản của hiệp ước Minsk ký kết  ngày 12/2.

Mục tiêu được nhắm đến là thuyết phục Kiev chấp nhận cải cách Hiến pháp, công nhận một sự tự chủ nhất định tại vùng miền Đông do phe ly khai nắm quyền kiểm soát. Điều này đồng nghĩa với việc thừa nhận sức ảnh hưởng của Nga tại khu vực này, nhưng đồng thời phải bác bỏ khả năng "liên bang hoá" đất nước - điều mà Nga chủ trương ủng hộ.
 
Tuy nhiên, cái đích đó vẫn đang ở khá xa, trước mắt, Pháp và Đức đang tích cực tác động đến các bên nhằm giữ vững thoả thuận Minsk. Thứ Năm tuần tới, Gerard Larcher sẽ đến Đức để bàn bạc với người đồng cấp của mình nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán, giải quyết khủng hoảng Ukraina.
images1135132_unnamed.jpgTổng thống Nga Putin.
 
 
Tình hình đang tạm lắng xuống tại khu vực chiến sự Donbass: cả hai phe đều đã bắt đầu rút vũ khí hạng nặng, tuy nhiên, không có thoả thuận cụ thể chính thức nào về quyền tự chủ được công nhận. Vẫn còn nhiều mối quan ngại xung quanh Thành phố cảng Mariupol, và Gerard Larcher cũng đã tuyên bố: "Mọi động thái hướng về Mariupol đồng nghĩa với việc bước qua ranh giới đỏ, phá vỡ hiệp ước Minsk". Tuy nhiên, ông cũng cho biết bên phía Nga chưa đưa ra lời hồi đáp nào cho vấn đề này.
 
Các vấn đề nhạy cảm khác như sự hiện diện của Tổ chức vì an ninh và hợp tác châu Âu trên lãnh thổ Ukraina hay vấn đề hợp đồng khí đốt giữa Ukraina và Nga cũng không đi đến kết luận cụ thể nào. Đặc biệt là khi mà Nga đe dọa sẽ ngừng vận chuyển khí đốt cho Ukraina.
 
Thứ Tư, ngày 25/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc việc chính quyền Kiev từ chối cung cấp khí đốt cho khu vực phía Đông là một "ý đồ có hơi hướng diệt chủng". Hơn hết, việc cung cấp khí đốt cho khu vực có 4 triệu dân này cũng là một phần của hợp đồng ký kết giữa Naftogaz và Gazprom hồi tháng 10/2014.
 
Theo thoả thuận này thì Ukraina phải thanh toán trước lượng khí đốt mà nước này dự trù tiêu thụ. Nếu việc thanh toán không được thực hiện đúng thời hạn, Gazprom sẽ lại có quyền đóng các van đường ống khí đốt như đã từng làm trước đó.
 
Trên thực tế, Nga đã bắt đầu giảm lượng khí đốt chuyển về Ukraina xuống chưa đến một nửa lượng mà Ukraina yêu cầu vào Chủ nhật và thứ Hai tuần vừa rồi. Lý do là Ukraina tuyên bố sẽ không thanh toán phần khí đốt tiêu thụ tại miền Đông. Phía chính quyền Kiev lý luận rằng đó là bởi nước này không kiểm soát được chính xác lượng khí đốt mà Nga cung cấp cũng như nhu cầu tiêu thụ tại khu vực này.
 
Ủy ban Brussels vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng vì các luồng thông tin thu thập được "mâu thuẫn với nhau". Tuy nhiên, một cuộc gặp mặt giữa 3 bên sẽ sớm diễn ra, bởi châu Âu cực kỳ quan tâm đến vấn đề năng lượng liên quan đến Nga. Bởi, hàng năm châu Âu mua 125 tỷ m3 khí đốt từ Nga và 50% lượng khí đốt này được trung chuyển qua Ukraina. Điều này có tác động không nhỏ đến những dự án của Liên minh năng lượng châu Âu, khi mà khối này mặc dù vẫn đề cao vai trò của Nga, nhưng cũng đang có ý định hướng đến các đối tác khác như Na Uy, Azerbaidjan, Turkmenistan, thậm chí là Iran. Có lẽ đây cũng chính là lý do khiến Nga muốn gây áp lực lên châu Âu thông qua Ukraina.
 
Van dẫn khí đốt của Gazprom tại châu Âu.
 
Rõ ràng Nga có vẻ đang chiếm thế chủ động trong ván cờ. Những cuộc tập dượt quân sự tại biên giới giáp Estonia và Latvia hôm thứ Tư, ngày 25/2 vừa qua không thể khiến châu Âu không lo ngại. Kéo dài đến thứ Bảy, ngày 28/2, với 500 cỗ máy quân sự và 1.500 quân nhảy dù, đợt tập dượt này càng củng cố sự lo ngại của khối NATO về việc Nga có thể bao chiếm các vùng lãnh thổ thuộc các quốc gia thành viên của khối.
 
Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraina, các quốc gia vùng Baltic như Latvia, Estonia đã lên tiếng cáo buộc Nga can thiệp quân sự và bày tỏ sự lo lắng sẽ có cùng số phận. Riêng Lithuania đã tuyên bố vào thứ Ba, ngày 24/2 vừa rồi rằng nghĩa vụ quân sự trở nên bắt buộc tại quốc gia này, vì lý do "bối cảnh địa chính trị căng thẳng". Với hàng loạt động thái trong cùng một thời điểm như vậy, Nga đang gây sức ép lên châu Âu từ nhiều phía.
 
Cục diện tình hình tại Nga - châu Âu đang có những chuyển biến rõ rệt, dần rời xa vị trí tạm "cân bằng", giằng co giữa hai bên để lệch về cán cân có lợi cho Nga. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để tuyên bố thắng lợi cho đất nước bạch dương, bởi nên nhớ rằng, Nga không phải là không có điểm yếu - với một nền kinh tế vừa thoát khỏi đáy vực khủng hoảng, và rằng Mỹ vẫn chưa thực sự nhảy vào cuộc chơi.
 
Lê Thục Anh (Theo Le Monde)