original2990695_1332019.jpgTổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Unian
Không thể hàn gắn

Ukraine thông báo đã nhận được công hàm ngoại giao từ phía Nga về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa hai nước. Như vậy cả Nga và Ukraine đều có những bước đi dứt khoát nhằm rút khỏi hiệp ước hữu nghị được ký kết cách đây hơn 20 năm. Trước đó, hồi tháng 9/2018, chính quyền Kiev đã chính thức thông báo với Moskva về ý định rút khỏi hiệp ước hữu nghị. 3 tháng sau, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký ban hành một đạo luật cho phép hủy bỏ hiệp ước này với tuyên bố rằng đó là “một phần trong chiến lược tái định hướng của Ukraine về phía châu Âu”.

Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác được ký vào ngày 31/5/1997 và có hiệu lực vào ngày 1/4/1999 trong thời hạn 10 năm. Văn kiện này bao gồm điều khoản về tự động gia hạn thêm 10 năm nữa nếu các bên không phản đối. Ngược lại, hiệp ước sẽ bị hủy bỏ. Hiệp ước quy định nguyên tắc hợp tác chiến lược và các tuyên bố bất khả xâm phạm những đường biên giới hiện có, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và nghĩa vụ tương ứng của hai bên trong việc kiềm chế sử dụng các vùng lãnh thổ của mình để gây tổn hại cho an ninh của đối phương.

Việc hai nước cắt đứt hiệp ước hữu nghị diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương đã và đang xấu đi kể từ đầu năm 2014 do vấn đề Crimea và xung đột ở miền Đông Ukraine. Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác Nga-Ukraine được cho là hiệp ước ràng buộc mối quan hệ hai nước ở mức cao nhất bị hủy bỏ. Trước đó, hai bên rút dần các hiệp ước và thỏa thuận trong quan hệ song phương như trong quốc phòng, cung cấp khí đốt... Nói cách khác, Hiệp ước hữu nghị chỉ còn là hình thức, dù không chính thức hủy bỏ thì quan hệ Nga – Ukraine cũng không còn tồn tại mối quan hệ hữu nghị, hai bên cũng chấm dứt nhiều thỏa thuận để duy trì hợp tác.

Ukraine từ lâu đã chủ trương “thoát Nga” để “hướng Tây”. Hồi tháng 5/2017, khi EU quyết định miễn thị thực nhập cảnh cho người Ukraine, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã gọi đây là hành động “ly dị với Moskva” và tuyên bố Ukraine đã “gửi lời chào tạm biệt cuối cùng tới Nga”. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ giữa hai nước chỉ tồn tại những căng thẳng và bất đồng. Đỉnh điểm là hồi tháng 11 năm ngoái, quan hệ Nga-Ukraine bị đẩy lên nấc thang nghiêm trọng mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn tại khu vực Biển Đen gần Eo biển Kerch, với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải. Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Tuy nhiên, với những bước đi mới nhất, có thể thấy quan hệ giữa hai nước láng giềng này sẽ chỉ thêm xa cách, khó có giải pháp nào để cứu vãn.  Hai bên đã không còn các cơ chế hữu hiệu để giúp giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, căng thẳng song phương.

Đường ống dẫn khí đốt tại trạm bơm khí đốt ở thị trấn Boyarka, Ukraine. Ảnh: AFP
Những hậu quả khó lường

Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine bị phá vỡ chẳng khác nào sợi dây mong manh gắn kết quan hệ hai nước đã đứt gãy. Và sự việc này chắc chắn sẽ kéo theo những hệ lụy và thiệt hại lớn về kinh tế và an ninh đối với cả Ukraine và Nga. Về kinh tế, cả Nga và Ukraine đều đang phải chịu áp lực lớn vì suy thoái. Ukraine bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, trong khi kinh tế Nga phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ việc giá dầu sụt giảm mạnh và các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Hiệp ước Hữu nghị hợp tác bị cắt đứt đồng nghĩa các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên sẽ nhanh chóng bị tê liệt. Trong một động thái mới nhất, Nga đã tuyên bố sẽ ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine. Moskva trước đây chọn Ukraine và Bulgaria để trung chuyển khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đến nay khi đã có đường ống chạy thẳng từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ mang tên “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” thì họ không cần đến các tuyến ống trung chuyển nữa. Ukraine có thể tiếp tục được trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu nhưng các cam kết cho hợp đồng này còn rất mờ mịt. Mặc dù hai bên đang trong trạng thái căng thẳng nhưng Nga vẫn là đối tác thương mại quan trọng của Ukraine. Một khi hai bên hủy giao dịch thương mại, tất yếu dẫn đến những hậu quả cho kinh tế cho cả hai.

Về chính trị, quyết tâm “hướng Tây” của Ukraine sẽ là bài toán đau đầu cho nước Nga. Ukraine đang xúc tiến tiến trình gia nhập NATO cũng như Liên minh châu Âu. Mặc dù chặng đường này được cho là không dễ dàng nhưng một khi Kiev hoàn toàn đứng trong hàng ngũ các tổ chức của các nước phương Tây, đó sẽ là mối bất an lớn của Nga. Moskva nhiều lần chỉ trích, “sự dung túng” của phương Tây, đặc biệt là thái độ ủng hộ của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đối với những tuyên bố gây chiến của Tổng thống Poroshenko trong vấn đề Crimea, khiến Kiev có những hành động mạo hiểm và khiêu khích ở bán đảo này. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và các nước châu Âu không có dấu hiệu cải thiện, việc Ukraine xích lại gần hơn với các nước ở “lục địa già” không chỉ đẩy quan hệ Kiev-Moskva ngày càng xa hơn mà nguy cơ đối đầu cũng luôn tiềm ẩn.

Trong bối cảnh như vậy, việc Hiệp ước Hữu nghị Nga - Ukraine bị phá vỡ đồng nghĩa với việc hai nước sẽ không còn những mối ràng buộc để giải quyết những căng thẳng nhất là liên quan đến đường biên giới, lãnh thổ... Điều này sẽ ẩn chứa những nguy cơ khó lường trong trường hợp những căng thẳng mâu thuẫn leo thang thành xung đột.

Xem ra tương lai hàn gắn trong mối quan hệ Nga - Ukrraine ngày càng xa vời. Điều quan trọng, có lẽ cả Nga và Ukraine cần hiểu rõ “giới hạn đỏ” trong quan hệ giữa hai nước. Một khi căng thẳng bùng phát, tình hình xấu đi sẽ đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực châu Âu cũng như thế giới./.