Và sẽ còn nhiều khí tài nữa được trang bị cho hải quân Nga. Các đơn vị của Nga tại Thái Bình Dương sẽ tiếp nhận 37 tàu mới trước năm 2024, một bước tiến lớn so với 28 đơn vị mới được tiếp nhận trong khu vực trong vòng một thập kỷ qua.
Điều này chứng tỏ, bất chấp các chương trình quá đắt đỏ, nhất là chương trình đóng mới tàu khu trục lớp Leader và tàu sân bay Storm, Điện Kremlin vẫn đang xúc tiến việc nâng cấp hải quân đầy tham vọng.
Điện Kremlin tin rằng, việc nâng cấp để tương xứng với tiềm năng quân sự của Mỹ và Trung Quốc mang tầm quan trọng lớn nhất. Do vậy, nước này cần chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Washington lớn gấp 10 lần, còn Bắc Kinh lớn gấp 5-6 lần ngân sách quốc phòng của Moskva.
Ông Alexey Muraviev, Phó Giáo sư tại trường Đại học Curtin (Australia) cho rằng, việc tăng chi tiêu quốc phòng và mua mới khí tài đã dấy lên hoài nghi về việc liệu Nga có thay đổi học thuyết quân sự hay không, nhất là ở khu vực phía Đông, chuyển dịch từ công tác phòng thủ ven biển ở khu vực Thái Bình Dương sang các hoạt động rộng lớn hơn ở ngoài khơi.
Phó Giáo sư Muraviev nhận xét: "Trong vòng 5 năm qua, hải quân Nga đã gia tăng đáng kể nhịp độ hoạt động, các vùng hoạt động và số lượng đơn vị được triển khai tại các khu vực tiền tiêu. Nước này đã đạt mức độ hoạt động tác chiến tương đương thời Chiến tranh Lạnh, qua đó triển khai khoảng 70 đến 100 tàu chiến và các tàu phụ trợ vào bất kỳ thời điểm nào".
Trong khi đó, theo Đô đốc Vladimir Korolev, Tư lệnh hải quân Nga, các tàu chiến của nước này được sử dụng 17.100 lần ở ngoài khơi năm 2017, tăng 1.500 ngày so với năm 2016.
Điều này chứng tỏ, mặc dù ngày nay hải quân Nga có quy mô ít hơn thời Liên Xô cũ, song lực lượng này đã khôi phục khả năng triển khai như thời Chiến tranh Lạnh.
Phó Giáo sư Muraviev chia sẻ: "Hải quân Nga hiện đã mở rộng phạm vi hoạt động tầm xa tới các khu vực hoạt động truyền thống của người tiền nhiệm thời Liên Xô cũ, vươn tới Ấn Độ Dương và Nam Cực. Mặc dù các lực lượng có thể triển khai nhỏ hơn hạm đội thời Liên Xô cũ, song vẫn tiếp tục nhịp độ cao, hoạt động mở rộng ở Thái Bình Dương từ năm 2014 đến 2017".
Trong khoảng thời gian này, các tàu chiến Nga đã hoạt động ở khắp Đông Nam Á, gần vùng Sừng châu Phi, vùng biển Tây Nam Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.
Trong bối cảnh căng thẳng với NATO, Nga đang ưu tiên hoạt động hàng hải ở Địa Trung Hải, Biển Đen, Biển Baltic và Bắc Hải. Và trong khi căng thẳng Trung-Mỹ và Nga-Mỹ gia tăng tại nhiều khu vực địa lý khác nhau, có một số phạm vi mà hải quân Nga-Trung có thể hợp tác.
Ông Muraviev nhận định; "Có thể các hãng đóng tàu Trung Quốc sẽ tham gia vào một số chương trình xây dựng hải quân cho hải quân Nga"./.