Nga dự kiến sẽ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân thế hệ mới RS-28 với khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ hiện đại của Mỹ vào cuối năm nay.

 

Tên lửa RS-28 Sarmat xuất hiện trong lễ diễu binh của quân đội Nga tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Matxcơva hồi năm 2016. Ảnh: Getty

Theo Sputnik, sau vài lần trì hoãn, Nga dự kiến sẽ tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat tại bãi thử Plesetsk ở phía tây bắc nước này vào cuối năm nay. Các vụ thử trước đó bị hoãn lại do hệ thống bệ phóng và tên lửa vẫn chưa sẵn sàng.

Theo quân đội Nga, nếu được phóng thử thành công, RS-28 sẽ bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 2019-2020. Đây được cho là siêu tên lửa, có thể xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào, bao gồm cả các lá chắn tên lửa hiện đại của Mỹ, và thậm chí có thể “quét sạch” toàn bộ một quốc gia.

RS-28 có tốc độ bay 7km/giây với tầm phóng lên tới 11.000 km, đồng nghĩa với việc Nga có thể phóng tên lửa tới Anh cùng nhiều quốc gia châu Âu khác, cũng như các thành phố ở khu vực bờ biển phía đông và phía tây của Mỹ.

Tên lửa RS-28 có thể mang các đầu đạn với sức công phá lên tới 40 megaton, mạnh gấp 2.000 lần so với sức nổ của các quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945.

Các vụ thử nghiệm đầu tiên của tên lửa RS-28 dự kiến được thực hiện từ năm ngoái, song bị hoãn lại. Các lần trì hoãn tiếp theo là vào tháng 3 và tháng 4 năm nay. NATO gọi RS-28 là tên lửa Satan 2. Đây là các tên lửa thay thế tên lửa R-36 Voevoda từng được NATO gọi là Satan từ những năm 1970.

Theo Dân trí

TIN LIÊN QUAN