Thông tin này được thông tấn Nga trích phát biểu của Phó Thủ tướng Yury Borisov ngày 26/9 tại đại học Kỹ thuật Bauman Moscow cho hay các công đoạn có liên quan tới tổ hợp S-500 đã gần như hoàn thiện và hệ thống uy lực này sẽ sớm được đưa vào sản xuất hàng loạt.

"Cùng với S-300, S-400 hiện có, hệ thống S-500 sắp được đưa vào sản xuất hàng loạt. Các hệ thống này có đặc tính nổi trội hơn khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh, như hệ thống Patriot của Mỹ hoặc các hệ thống của Pháp và Israel", ông Borisov cho biết thêm.

Nga sản xuất hàng loạt S-500 ảnh 1
Hệ thống S-400 của Nga.

Ngay trước khi ông Borisov nói về việc Nga sẵn sàng sản xuất hệ thống S-500, vị Phó thủ tướng Nga khác là ông Dmitry Rogozin đã gây bất ngờ khi tuyên bố rằng:

"Nhà máy của tập đoàn Almaz-Antey tại Nizhny Novgorod đã bắt đầu sản xuất các thiết bị cấu thành tổ hợp phòng không tầm xa S-500 trên khung gầm tự hành và xe kéo. Nhà máy còn lại ở Kirov có thể sản xuất hàng nghìn quả đạn tên lửa cho tổ hợp S-500 mỗi năm".

Ông Rogozin cho biết thêm, hệ thống tên lửa S-500 sẽ thay thế nhiều vai trò của các tổ hợp S-400 Triumf. Mỗi đơn vị S-500 sẽ có tuổi thọ tối thiểu 25 năm và dự kiến được biên chế từ năm 2020.

Khi nói về sức mạnh của S-500, vị Phó Thủ tướng Rogozin cho biết, S-500 có thể đánh chặn các mục tiêu ở tầm cao từ 185 đến 200km, qua đó cho phép nó bắn rơi các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các vệ tinh tầm thấp.

Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, S-500 có tầm bắn tối đa lên tới 600km, xa hơn hệ thống S-400 tới 200km. Chỉ huy Không quân Nga Viktor Bondarev khẳng định S-500 sẽ đối phó được với 10 tên lửa cùng lúc, với thời gian phản ứng vào khoảng 3 đến 4 giây.

Đặc biệt, nguồn tin quân sự Nga còn cho biết S-500 sẽ là một hệ thống tương tự các loại pháo tự hành, để tránh bị không kích.

Mỗi hệ thống S-500 sẽ đi kèm nhiều loại xe hỗ trợ chiến đấu, trong đó có 4 loại xe radar khác nhau, môt trong số đó được thiết kế để phòng chống các loại tên lửa đạn đạo.

Với khả năng của S-500, đây rõ ràng là hệ thống phòng thủ hàng đầu thế giới nhưng theo tạp chí National Interest, một vấn đề mà S-500 vẫn chưa thể giải quyết đó là khả năng bắn hạ các chiến đấu cơ tàng hình như F-22 và F-35 của Mỹ.

Hệ thống radar cảnh giới của S-500 được đánh giá là có thể phát hiện những máy bay tàng hình trên nhưng việc điều khiển tên lửa nhằm tiêu diệt nó vẫn là điều thách thức với hệ thống phòng thủ này.

Nga đã đạt được những thành tựu nhất định ở việc gia tăng tầm bắn và khoảng cách phát hiện mục tiêu của S-500, tuy nhiên, ngày hệ thống này hoạt động được với 100% tiềm năng vẫn còn điều mơ hồ.

Bên cạnh đó, S-500 không phải là bất khả xâm phạm khi đối đầu với các máy bay tàng hình tân tiến của Mỹ.

Dù tạp chí Mỹ nghi ngờ sức mạnh của S-500 nhưng không dẫn ra được thông số cụ thể. Vì vậy, truyền thông Nga cho rằng, hệ thống S-500 vẫn là một thách thức lớn nhất với hầu hết mục tiêu đường không của Mỹ.