(Baonghean) - Trong khi cộng đồng quốc tế đang đổ dồn sự chú ý vào Trung Quốc trong việc gia tăng áp lực với Triều Tiên nhằm ngăn chặn chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này thì Nga bất ngờ tuyên bố đã soạn thảo một số biện pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.
Sự “ra mặt” của Nga ở thời điểm này được cho là nhằm khẳng định vai trò trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, trước khi Trung Quốc nhượng bộ Mỹ để tiến tới một thỏa thuận theo mô hình “G2” trong vấn đề này.
“Bênh” Triều Tiên ra mặt
Theo thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov, các biện pháp mà Nga đưa ra nhằm giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên theo từng giai đoạn, giúp các bên đối thoại với nhau mà không cần điều kiện tiên quyết.
Những bước đầu tiên trong “lộ trình” đó là các bên kiềm chế lẫn nhau, không có những bước đi khiêu khích, bắt đầu đàm phán về các nguyên tắc chung của các mối quan hệ như từ chối sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết không xâm phạm lãnh thổ lẫn nhau.
Nga cũng nhấn mạnh ủng hộ đề xuất “đóng băng kép” của Trung Quốc, trong đó yêu cầu Triều Tiên ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa hạt nhân, còn phía Mỹ và Hàn Quốc từ bỏ các cuộc tập trận quân sự để tạo ra không khí hòa bình và an ninh trong khu vực.
Phía Nga lý giải ý tưởng xuyên suốt trong các biện pháp mà Nga đề xuất là Triều Tiên cần được đảm bảo về an ninh để có thể yên tâm từ bỏ chương trình hạt nhân, bởi thực tế cho thấy những động thái quân sự - ví dụ như các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc hay Mỹ điều động các loại vũ khí chiến lược tới bán đảo Triều Tiên chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng và có nguy cơ biến thành xung đột vũ trang.
Giới chuyên gia bình luận, những tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulovcho thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với Triều Tiên với một cách tiếp cận mềm mỏng hơn hẳn những biện pháp hiện đang được áp dụng.
Trong khi cộng đồng quốc tế đang khá bế tắc với bài toán Triều Tiên, và những giải pháp được lựa chọn tới thời điểm này chủ yếu vẫn là siết chặt các lệnh trừng phạt, Nga lại thẳng thừng tuyên bố phản đối các biện pháp chế tài đơn phương nhằm trừng phạt Triều Tiên để “bóp nghẹt” nền kinh tế của nước này.
Quan điểm này thực ra đã từng được Nga nhắc đến trước đó khi nước này phản đối một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để lên án vụ thử tên lửa của Triều Tiên, trong đó Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi không chấp nhận các cuộc phiêu lưu hạt nhân và đạn đạo của Bình Nhưỡng, tuy nhiên điều này không có nghĩa hễ vi phạm luật pháp quốc tế thì dùng đến vũ lực”.
Động thái của Nga khiến dư luận càng thêm đồn đoán về việc nước này muốn “thế chân” Trung Quốc để hỗ trợ Triều Tiên.
Không chấp nhận “ra rìa”
Trong khi Trung Quốc đang chịu nhiều sức ép từ Mỹ trong việc phải “mạnh tay” hơn với Triều Tiên, những đồn đoán về việc Nga thay thế vai trò của Trung Quốc không phải là không có lý.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi mà Trung Quốc có dấu hiệu nhượng bộ Mỹ, Nga cần nhanh chóng “ra mặt” nhằm giữ tình hình cân bằng trở lại để tránh nguy cơ xảy ra xung đột, bởi giống như với Trung Quốc, một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới Nga.
Tuy vậy, cần phải nhìn sâu xa hơn về động thái của Nga, bởi xét trên nhiều khía cạnh, tầm quan trọng của tình hình Triều Tiên đối với Nga có nhiều khác biệt so với Trung Quốc.
Ví dụ, nếu xung đột xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ không chỉ đối mặt với dòng người tị nạn từ Triều Tiên mà quan trọng hơn là sự thay đổi cơ bản trong các vị trí chiến lược khu vực, nhất là với kịch bản sự hiện diện của liên quân Mỹ - Hàn ngay tại cửa ngõ Trung Quốc.
Với Nga, tác động của một cuộc xung đột như vậy nhẹ nhàng hơn nhiều, bởi đó đồng nghĩa với sự gia tăng xung đột về quân sự và chính trị với Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - một điều chẳng còn xa lạ với cả Nga và Mỹ suốt nhiều năm qua tại nhiều địa bàn khác nhau trên thế giới.
Các nhà phân tích cũng từng nhận định rằng, đối với Nga, vấn đề Triều Tiên ít cấp bách hơn so với những điểm nóng khác như Ukraine, Syria, Trung Đông hay NATO mở rộng.
Bởi vậy, việc Nga sốt sắng đề xuất “lộ trình” giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và mong muốn thảo luận “lộ trình” này với các bên liên quan được lý giải ở một góc độ khác, đó là Nga không muốn Triều Tiên trở thành một “trường hợp điển hình” khi Mỹ có vai trò nổi trội trong việc gây sức ép với tất cả các bên liên quan – kể cả đối tác khá “rắn” là Trung Quốc - để giải quyết vấn đề theo mong muốn của Mỹ.
Đó cũng là lý do mà các nhượng bộ của Trung Quốc trong việc gia tăng lệnh trừng phạt với Triều Tiên trong thời gian qua chỉ nhận được sự ủng hộ ở mức độ rất hạn chế của Nga. Hơn nữa, ý tưởng về việc Trung Quốc và Mỹ tiến tới giải pháp về vấn đề Triều Tiên theo kiểu “G2” chắc chắn không phải là điều mà Nga mong muốn.
Đó cũng là lý do mà mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc tới khả năng gửi một sứ giả tới Bình Nhưỡng như một nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm giải quyết tình hình. Có thể thấy rằng, Nga sẽ không ngại khi Trung Quốc cũng giống như Nga giữ vị trí trung lập trong các cuộc thảo luận về tình hình Triều Tiên. Nhưng một khi Trung Quốc có xu hướng đồng thuận với Mỹ, Nga sẽ không chấp nhận “bị ra rìa” và sẽ tìm mọi cách để đưa vấn đề trở lại bàn đàm phán 6 bên./.
Thúy Ngọc