Nga sẽ "không ngồi yên" khi Mỹ tăng cường lực lượng ở Ba Lan
Điện Kremlin tuyên bố quân đội Nga “không ngồi yên” và sẽ theo dõi sát sao việc Mỹ lên kế hoạch tăng cường lực lượng ở Ba Lan và sẽ có biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo nền an ninh quốc gia không bị đe dọa.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 13/6 tuyên bố Moscow sẽ không ngồi yên tại chỗ. “Quân đội Nga đang theo dõi sát sao các động thái của Mỹ, đang phân tích thông tin và làm mọi thứ có thể để đảm bảo không có kế hoạch nào đe dọa an ninh quốc gia”, ông Peskov nói. Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo động thái của Mỹ ở Ba Lan phản ánh “ý định gây hấn”, theo Reuters.
Indonesia tiến hành phiên điều trần liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử năm 2019
Ngày 14/6, hàng chục nghìn nhân viên an ninh đã được triển khai khắp thành phố Jakarta trong khi Tòa án Hiến pháp Indonesia tiến hành phiên điều trần liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử năm 2019.
Kết quả cuộc bầu cử cho thấy cặp ứng cử viên số 1 gồm đương kim Tổng thống Joko Widodo và người liên danh tranh cử Ma'ruf Amin đã nhận được 55,5% số phiếu ủng hộ, trong khi cặp số 2 là ứng cử viên đối thủ Prabowo Subianto và Sandiaga chỉ giành được 44,5% số phiếu ủng hộ. Ông Prabowo tuyên bố không chấp nhận kết quả cuối cùng và đã đệ đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp Indonesia. Trước đó, đụng độ giữa đám đông và cảnh sát trong các cuộc biểu tình sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố đã làm 8 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương.
Mỹ, Iran cùng lúc tung bằng chứng vụ tấn công tàu
Ngày 14/6, quân đội Mỹ đã phát hành video do Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cáo buộc binh sĩ Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran gỡ một quả mìn chưa phát nổ từ một tàu chở dầu gặp nạn trên vịnh Oman. Bức ảnh cho thấy có thủy lôi gắn trên thân tàu Kokuka Courageous, một trong hai con tàu bị tấn công ngày 13/6. Người phát ngôn CENTCOM Bill Urban cho biết, một tàu tuần tra của lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã hiện diện cạnh thân tàu và gỡ thủy lôi.
Trong khi đó, phía Iran cũng phủ nhận sự liên quan của nước này tới 2 tàu bị tấn công ở vịnh Oman. Truyền hình Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIB) cũng đăng tải một video cho thấy hình ảnh các thủy thủ được giải cứu khỏi tàu chở dầu bị tấn công hôm 13/6, xuất hiện trong một căn phòng với trạng thái sức khỏe bình thường. Các nhà điều hành tàu hiện vẫn chưa đưa ra giải đáp về vụ nổ cũng như nguyên nhân gây ra thiệt hại cho tàu MT Front Altair của Na Uy và Kokuka Courageous của Nhật Bản.
Thổ Nhĩ Kỳ dọa đáp trả nếu Mỹ trừng phạt vì S-400
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 14/6 tuyên bố nước này sẽ “có biện pháp” đáp trả nếu Washington áp đặt lệnh trừng phạt về việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. “Nếu Mỹ tiến hành các hành động tiêu cực đối với chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ có các biện pháp phản ứng”, ông Cavusoglu cho hay khi được hỏi về lệnh trừng phạt tiềm tàng của Mỹ trong cuộc phỏng vấn phát trên kênh Turkish TV, theo Reuters.
Ngoại trưởng Cavusoglu còn nhấn mạnh: “Chúng tôi đã quyết định về vấn đề S-400. Dù kết quả như thế nào đi nữa, chúng tôi sẽ không rút lui". Theo ông Cavusoglu, hủy bỏ thỏa thuận mua S-400 là bất khả thi. Thỏa thuận mua S-400 của Ankara được ký hồi năm ngoái.
Anh cấm các quảng cáo theo khuôn mẫu phân biệt giới tính
Từ ngày 14/6, Anh cấm tất cả các quảng cáo có nội dung "khuôn mẫu giới tính có hại", có thể gây tranh cãi. Luật mới có hiệu lực này được cho là sẽ tác động mạnh tới ngành quảng cáo tại "xứ sở sương mù".
Luật được Cơ quan Tiêu chuẩn quảng cáo Anh (ASA) đề xuất bao gồm những quảng cáo có nội dung mang tính phân biệt giới tính như một phụ nữ không thể đỗ xe ô tô của mình, một người đàn ông "vật lộn" để thay tã cho con hay các cô gái bị cho là ít học thức hơn con trai... Lệnh cấm này không bao gồm những tình huống được cho là không gây nhiều tranh cãi như hình ảnh phụ nữ làm công việc lau dọn hay đàn ông tự tay làm những công việc trong nhà.