Theo nguồn tin này, Nhà máy sản xuất hàng không dân dụng tại Minsk của Belarus đang tham gia chương trình đại tu máy bay chiến đấu Tu-134UBL của Không quân Nga. Cùng với thông tin bất ngờ, Defence-Blog còn chứng thực thông tin của mình bằng việc đăng tải bức ảnh chiếc Tu-134UBL đang trong tình trang nâng cấp tại Belarus.

095002-1.jpgMáy bay Tu-134UBL đang được nâng cấp tại Belarus.

Dù Nga không có phản ứng gì về thông tin này nhưng việc Nga phải hợp tác với Belarus trong nhiều chương trình sản xuất và nâng cấp vũ khí không phải là chuyện xa lạ. Ngay từ năm 2016, Nga và Belarus sẽ hợp tác phát triển tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp mới.

Giám đốc Tổ hợp cơ khí chính xác mang tên A.E.Nudelman (Nga), Vladimir Slobodchikov cho biết: "Chúng tôi đang tiến hành dự án hợp tác phát triển tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp hoàn toàn mới giữa Nga và Belarus. Thông tin chi tiết về dự án sẽ được cung cấp trong tương lai gần".

Hiện tại, Belarus nổi tiếng là nơi cung cấp các gói nâng cấp vũ khí phòng không, trong đó có tên lửa phòng không tầm thấp, sản xuất từ thời Liên Xô đang có mặt trong quân đội nhiều quốc gia trên thế giới.

Một số gói nâng cấp nổi tiếng của Belarus được biết tới là gói T38 Stilet (nâng cấp của tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Osa), Alebartu (nâng cấp của tổ hợp Pechora-2BM) và Buk-MB. Trong khi đó, Tổ hợp cơ khí Nudelman là nơi phát triển chủ yếu các dòng đạn tên lửa phòng không tầm thấp của Nga như: Strela-1, Strela-10, Sosna và tổ hợp pháo-tên lửa module Palma.

Không chỉ có vậy, Công ty quốc doanh của Belarus, Belspetsvneshtechnika vừa giới thiệu biến thể nâng cấp của 2 dòng tên lửa không đối không tầm ngắn R-60 và R-73. Đây là các dòng tên lửa trang bị phổ biến trên máy bay tiêm kích Nga hiện nay cho các nhiệm vụ không chiến trong tầm nhìn.

Theo thông tin được công bố, biến thể nâng cấp mới của tên lửa R-73 có tên mã R-73BM do Tổ hợp Vympel phát triển. Phiên bản nâng cấp mới của tên lửa R-73 có kết cấu cánh lái mở rộng góc nghiêng từ 45 lên 60 độ và hệ thống kháng nhiễu cải tiến.

R-73BM được trang bị hệ thống đầu dò ảnh hồng ngoại và ngòi kích nổ đo xa la-de mới giúp tối ưu khoảng cách, cũng như góc nổ để tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu. Tầm bắn của tên lửa R-73 nâng cấp vào khoảng 12km và độ cao tác xạ đạt 20km.

Trong khi đó, đạn tên lửa nâng cấp R-60BM được thiết kế lại để vừa có thể sử dụng trên máy bay hoặc trong các tổ hợp phòng không tầm thấp. Điều này có được nhờ động cơ và hệ thống đầu dò chủ động mới.

Kết cấu ngòi nổ có đo xa laser giúp tối ưu chùm mảnh để tiêu diệt mục tiêu cũng là điểm mới ở phiên bản tên lửa R-60 nâng cấp. Tầm bắn của R-60BM là 10km với điều kiện phóng trên máy bay, còn phiên bản trang bị trên các tổ hợp phòng không mặt đất chưa được công bố thông số.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, hai dòng tên lửa nâng cấp trên rất có tiềm năng xuất khẩu vì dễ dàng trang bị trên các dòng máy bay chiến đấu của Nga. Giá thành rẻ và khả năng tương thích chính là thế mạnh của R-73BM và R-60BM do Belarus thực hiện nâng cấp.