Đây là thông tin được nhân vật từng là người đứng đầu Chính phủ Nhật tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với chuyên trang kinh doanh Nikkei. Phát biểu về những lý do đã ngăn cản việc ký kết hiệp định hòa bình vào thời điểm ấy, ông Shinzo Abe đề cập đến “các căng thẳng leo thang giữa Washington với Moskva” sau chuỗi sự kiện tại Ukraine năm 2014.
Người từng đảm nhiệm chiếc ghế Thủ tướng đất nước mặt trời mọc cũng nói rằng, dù Nhật và Nga từng nỗ lực đạt được dạng thỏa thuận gì đi chăng nữa, thì ông cũng vẫn sẵn sàng giải tán Quốc hội và thông báo bầu cử sớm, trao cho người dân Nhật Bản quyền lên tiếng về bản thỏa thuận giữa Tokyo với Moskva.
Trong giai đoạn đó, nhiều kênh truyền thông của Nhật đưa tin 2 quốc gia đang bàn thảo khả năng trao trả cho phía Nhật 2 trong số 4 hòn đảo tranh chấp thuộc quần đảo mà phía Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Thông tin này chưa bao giờ được chính thức xác nhận.
Thực tế, Nga và Nhật đã bước vào các cuộc đàm phán song phương nhằm đi đến ký kết một hiệp định hòa bình kể từ giữa thế kỷ XX. Rào cản đáng nói nhất đối với việc hiện thực hóa điều này là vấn đề liên quan đến quyền sở hữu đối với quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Vào tháng 11/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tổ chức một cuộc gặp tại Singapore và thống nhất rằng Moskva cùng Tokyo sẽ tăng tốc cho các cuộc đàm phán về hiệp định hòa bình dựa trên Tuyên bố chung năm 1956. Đây là văn kiện đặt dấu chấm hết cho tình trạng chiến tranh, đồng thời khẳng định chính quyền Liên Xô sẵn lòng trao trả đảo Shikotan và một nhóm đảo nhỏ cho phía Nhật, với điều kiện Tokyo sẽ nắm quyền kiểm soát chúng một khi bản hiệp định hòa bình được ký kết.