Tổng thống Putin muốn khôi phục quan hệ toàn diện với Mỹ
Tổng thống Putin (phải) tiếp Ngoại trưởng Pompeo tại Sochi. Ảnh: AFP Hãng Reuters ngày 15/5 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ mong muốn khôi phục quan hệ toàn diện với Mỹ khi tiếp Ngoại trưởng Pompeo tại thành phố Sochi bên bờ biển Đen. Tổng thống Putin cho biết ông “ấn tượng” đối với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hồi phục mối quan hệ Nga-Mỹ và các đầu mối liên lạc, cũng như giải quyết các vấn đề hai bên cùng quan tâm. “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng chúng tôi cũng muốn khôi phục mối quan hệ toàn diện. Tôi hy vọng giờ đây sẽ có các điều kiện cần thiết cho điều đó”, ông nói.
Ngoại trưởng Pompeo trước đó đã trao đổi suốt nhiều giờ với người đồng cấp Sergei Lavrov trước khi gặp Tổng thống Putin trong khoảng 90 phút. Hai bên cũng đã trao đổi các vấn đề về Iran, Syria, Venezuela, Ukraine, CHDCND Triều Tiên và cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Đức dừng huấn luyện quân sự ở Iraq
Chuyên gia Đức kiểm tra xe quân sự của lực lượng người Kurd tại Erbil tháng 2/2016. Ảnh:AFP.
"Quân đội Đức đã đình chỉ việc huấn luyện" do căng thẳng gia tăng trong khu vực, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức Jens Flosdorff nói và cho biết thêm rằng các binh sĩ đang hoạt động trong khu vực "với sự cảnh giác cao độ". Flosdorff cho biết việc huấn luyện có thể tiếp tục trong vài ngày tới và "không có mối đe dọa cụ thể" vào lúc này. Đức có khoảng 160 binh sĩ được triển khai ở Iraq, trong đó có 60 người ở Taji, phía Bắc Baghdad và 100 người ở Erbil, thủ phủ vùng tự trị do người Kurd kiểm soát ở miền Bắc nước này.
Động thái của Đức diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ với Iran, quốc gia láng giềng của Iraq ngày càng xấu đi. Lầu Năm Góc đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, một phi đội oanh tạc cơ B-52, tàu vận tải đổ bộ USS Arlington và một tổ hợp phòng không Patriot đến khu vực, sau khi tình báo Mỹ phát hiện Iran chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn lên các tàu chiến ở vịnh Ba Tư.
Indonesia ngăn chặn âm mưu tấn công dịp công bố kết quả bầu cử
Cảnh sát Indonesia gác tại văn phòng ủy ban bầu cử ở Banda Aceh, tỉnh Aceh, ngày 6/4/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN
Cảnh sát Indonesia ngày 15/5 cho biết lực lượng chống khủng bố nước này đã vây bắt ít nhất 10 nghi can âm mưu tiến hành các vụ tấn công trong dịp Ủy ban Tổng tuyển cử Indonesia (KPU) công bố chính thức kết quả bầu cử tổng thống.
Theo người phát ngôn lực lượng cảnh sát quốc gia Dedi Prasetyo, các nghi can bị bắt giữ thuộc Jemaah Ansharut Daulah (JAD) - nhóm cực đoan lớn nhất ở Indonesia có quan hệ với tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Các đối tượng khai nhận đã lên kế hoạch tấn công những địa điểm tập trung đông người trong các ngày 21, 22 hoặc 23/5, nhằm tạo ra sự hỗn loạn và thương vong nhiều nhất có thể. Hiện lực lượng chức năng đang truy quét thêm các đối tượng thuộc nhóm này.
Triều Tiên thừa nhận gặp hạn hán tệ hại nhất
Binh sĩ Triều Tiên quan sát nông dân làm việc trên cánh đồng ở Triều Tiên vào tháng 2/2019. Ảnh chụp từ tàu trên sông Yalu – biên giới tự nhiên giữa Triều Tiên và Trung Quốc - Ảnh: AFP Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 15/5, lượng mưa trung bình ở nước này trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 54,4 mm, mức thấp nhất tính từ năm 1982. Thông tin cho biết tình trạng hạn hán có thể kéo dài đến cuối tháng 5 này. Cũng trong ngày 15/5, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết tình trạng thiếu lương thực tại Triều Tiên vẫn "nghiêm trọng" và Bình Nhưỡng cần viện trợ từ bên ngoài, bất chấp thông tin gần đây nói rằng giá gạo tại nước này đã giảm.
Trong một báo cáo công bố hồi đầu tháng 5 này, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) cho biết Triều Tiên cần thêm khoảng 1,36 triệu tấn ngũ cốc để giải quyết tình trạng thiếu lương thực trong năm nay. Báo cáo trên cũng nhận định ước tính sản lượng ngũ cốc của Triều Tiên hồi năm ngoái là 4,9 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2008, và khoảng 10,1 triệu người dân Triều Tiên (40% tổng dân số), đang cần được hỗ trợ lương thực.
Đảng Cộng hòa của Mỹ muốn siết visa du học sinh, học giả Trung Quốc
Các nhà lập pháp Mỹ muốn siết visa đối với du học sinh, nhà nghiên cứu Trung Quốc - Ảnh cắt từ clip - CCTV Một nhóm các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội vừa trình một dự luật nhằm hạn chế người làm việc cho các tổ chức hợp tác hoặc nhận tài trợ của quân đội Trung Quốc được cấp visa du học hoặc nghiên cứu ở Mỹ. Dự luật được nhóm thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa là Chuck Grassley, Tom Cotton, Ted Cruz, Marsha Blackburn và Josh Hawley ủng hộ và giới thiệu vào ngày 14-5 (giờ địa phương), trong bối cảnh căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung leo thang với các màn đánh thuế trả đũa lẫn nhau.
Ngoài ra, trong một thời gian dài, nhiều quan chức Mỹ cũng lo ngại nguy cơ các học giả Trung Quốc lấy cắp tài sản trí tuệ, hoặc làm gián điệp tại các trường đại học và các tổ chức khác ở Mỹ. Theo Hãng tin Reuters , dự luật yêu cầu Chính phủ Mỹ lập ra một danh sách các tổ chức khoa học kỹ thuật liên kết với quân đội Trung Quốc và sẽ không cấp thị thực cho những ai làm việc, hoặc được các tổ chức này tài trợ.