Tổng thống Putin khẳng định Nga muốn cải thiện quan hệ với Mỹ
Tổng thống Nga Putin ngày 9/6 bày tỏ hy vọng mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ được cải thiện, song cho rằng điều này còn phụ thuộc vào Washington.
Hãng tin Interfax của Nga dẫn lời Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Tôi hy vọng sẽ chứng kiến sự cải thiện trong mối quan hệ giữa hai bên. Dù ở tốc độ như thế nào, chúng tôi cũng sẵn sàng cho điều đó. Nhưng tôi nghĩ quả bóng đang ở bên sân Mỹ.”
Đây không phải lần đầu tiên, nhà lãnh đạo Nga thể hiện thiện chí cải thiện quan hệ với Mỹ. Hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Putin từng khẳng định Nga đã sẵn sàng cho việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ từ lâu, song Mỹ vẫn chưa sẵn sàng do tình hình nội bộ chính trị ở Mỹ chưa hề lắng dịu.
Ông Trump thay đổi lịch trình, rời Hội nghị G7 sớm để đến Singapore
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rời Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đang diễn ra tại Canada sớm hơn kế hoạch để chuẩn bị bay đến Singapore.
Dự kiến, ông Trump sẽ rời Canada vào lúc 10 giờ sáng 9/6 theo giờ địa phương, sớm hơn 4 giờ so với lịch trình ban đầu, để chuẩn bị cho chuyến bay đến Singapore và có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trước đó, theo một số nguồn tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ đáp máy bay tới sân bay Changi của Singapore vào ngày 10/6.
Đụng độ tái diễn tại Dải Gaza khiến hơn 600 người thương vong
4 người thiệt mạng và 618 người khác bị thương trong vụ đụng độ giữa người dân Palestine và binh sĩ Israel gần Dải Gaza từ chiều 8/6 (giờ địa phương).
Cuộc biểu tình đã nhanh chóng biến thành bạo loạn khi người biểu tình Palestine mang theo cờ có gắn lựu đạn cháy thả vào các khu ruộng của Israel gây cháy lớn.
Binh sĩ Israel đã phải dùng hơi cay để giải tán người biểu tình. Các vụ đụng độ bùng phát trên là một phần trong “Cuộc Biểu tình Trở về Vĩ đại” do người Palestine tiến hành tại Dải Gaza từ ngày 30/3 vừa qua. Ước tính từ khi đụng độ xảy ra, đã có 120 người thiệt mạng.
Ấn Độ và Trung Quốc thúc đẩy quan hệ song phương
Ngày 9/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc hội đàm ở thành phố Thanh Đảo (Qingdao), tỉnh Sơn Đông (Shandong) của Trung Quốc để đề ra một kế hoạch chi tiết nhằm tăng cường quan hệ song phương và đánh giá lại việc thực hiện những quyết định mà hai nhà lãnh đạo đã đưa ra tại cuộc gặp cấp cao không chính thức ở thành phố Vũ Hán (Wuhan) ở Trung Quốc.
Tại cuộc gặp này, hai bên đã thảo luận về những khía cạnh hợp tác song phương chủ chốt, qua đó cho thấy quyết tâm của hai nước trong việc cài đặt lại quan hệ và mang lại lòng tin trong quan hệ giữa hai nước sau vụ đối đầu ở Doklam (Đốc-lam), Trung Quốc gọi là Đông Lãng, cũng như một số vấn đề gai góc khác mà hai nước phải đối mặt.
Taliban liên tiếp tấn công cảnh sát trước khi tuyên bố ngừng bắn
Sáng 9/6, phiến quân Taliban đã chia làm nhiều nhánh và tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các chốt an ninh tại tỉnh Kunduz, phía Bắc Afghanistan, khiến 20 nhân viên an ninh thuộc lực lượng chính phủ thiệt mạng. Về phía Taliban, hàng chục phiến quân đã thiệt mạng.
Trước đó trong đêm 8/6, ít nhất 17 binh sỹ Afghanistan cũng đã thiệt mạng trong vụ tấn công của Taliban nhằm vào một căn cứ quân sự ở tỉnh Herat, miền Tây nước này.
Các vụ việc xảy ra chỉ vài giờ trước khi Taliban tuyên bố ngừng bắn 3 ngày trong dịp lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, đánh dấu lần đầu tiên nhóm này đề xuất ngừng bắn với lực lượng chính phủ kể từ khi quân đội Mỹ hiện diện tại quốc gia Tây Nam Á năm 2001.
Malaysia kêu gọi xem xét lại CPTPP
Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ngày 9/6 đã kêu gọi xem xét lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trước đây gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi cho rằng những nền kinh tế nhỏ như Malaysia sẽ ở thế bất lợi chiểu theo những điều khoản hiện tại của thỏa thuận.
Thủ tướng Mahathir nói rằng CPTPP cần phải tính đến mức độ phát triển của các nước khác nhau, theo đó những nền kinh tế yếu hơn cần phải được trao cơ hội để bảo vệ sản phẩm của mình.
Ông Mahathir không bác bỏ tầm quan trọng của những thỏa thuận như CPTPP, song cũng không đề cập đến khả năng nước này rút khỏi thỏa thuận.
Người Iceland chết là hiến tạng
Iceland vừa phê chuẩn luật mới, quy định mọi công dân nước này sẽ mặc định hiến tạng sau khi chết, ngoại trừ những người để lại nguyện vọng khác trong di chúc hoặc thân nhân phản đối. Điều luật này được đề xuất lần đầu từ năm 2012.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/1/2019, mọi người dân ở quốc đảo lớn thứ hai tại Bắc Đại Tây Dương sẽ trở thành những người hiến tạng mặc định sau khi chết.