“Nếu nước Nga tiến xa hơn với cuộc tấn công này, thì chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đi xa hơn với các lệnh trừng phạt. Ông ấy nghĩ mình là ai mà có quyền tuyên bố công nhận một số quốc gia tự xưng nằm trong lãnh thổ của nước láng giềng. Đây là động thái vi phạm luật pháp quốc tế, và cộng đồng quốc tế cần có phản ứng mạnh mẽ hơn”, hãng tin Al Jazeera dẫn lời ông Biden nói.
Theo Tổng thống Biden, các đòn trừng phạt sẽ nhằm vào nợ chính phủ và hai tổ chức tài chính lớn của Nga, trong đó có một ngân hàng quân đội. “Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi cắt đứt Chính phủ Nga với nền tài chính phương Tây. Họ không thể kiếm được tiền từ các nước phương Tây, cũng như không thể giao dịch khoản nợ mới của họ trên các thị trường của chúng tôi hoặc châu Âu”, ông Biden nói thêm.
Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cùng ngày tuyên bố các quốc gia thuộc khối này đã nhất trí về những đòn trừng phạt nhằm “gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Nga”.
“Những lệnh trừng phạt này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho Nga. Có 351 nghị sĩ thuộc Duma Quốc gia Nga sẽ bị phong tỏa tài sản họ gửi tại châu Âu, cũng như bị cấm nhập cảnh. EU cũng đã nhất trí áp lệnh trừng phạt lên 27 cá nhân và thực thể đóng góp vai trò làm xói mòn hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraina”, ông Borrell nói với Al Jazeera.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố rằng khối EU đã sẵn sàng thực hiện thêm nhiều hành động nhằm vào Nga, nếu nước này tiếp tục tăng cường các hoạt động quân sự ở Ukraina.
“Hành động của chúng tôi ngày hôm nay là sự đáp trả cho hành vi ‘hung hăng’ của Nga. Nếu họ tiếp tục leo thang cuộc khủng hoảng, thì chúng tôi đã sẵn sàng có thêm những hành động để đáp trả. Việc các quốc gia EU bớt phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga là cần thiết”, Al Jazeera dẫn lời bà von der Leyen nói trong buổi họp báo tổ chức hôm 22/2.
Những tuyên bố trừng phạt trên được giới lãnh đạo phương Tây đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/2 đã công bố quyết định công nhận nền độc lập đối với hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk thuộc miền Đông Ukraina, cùng các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và viện trợ lẫn nhau giữa chính quyền Moscow và hai khu vực này.
Ở một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga hôm 22/2 cho biết họ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk thuộc miền Đông Ukraina.
“Theo Sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thỏa thuận về việc thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ quán giữa Nga và hai nước Donetsk và Lugansk đã được chính thức hóa từ ngày hôm nay, với phương thức trao đổi công hàm giữa Bộ Ngoại giao Nga và các Bộ Ngoại giao của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk”, hãng tin TASS dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sau đó đã gửi lời chúc mừng tới người đồng cấp Donetsk Natalia Nikonorova và người đồng cấp Lugansk Vladislav Deinego. “Nước Nga đặt mục tiêu phát triển toàn diện quan hệ hợp tác với hai nước cộng hòa Donetsk và Lugansk, bao gồm giữa các bộ ngoại giao, vì lợi ích của công dân chúng ta, cũng như tăng cường nền hòa bình, sự ổn định và an ninh trong khu vực”, ông Lavrov nói.