(Baonghean) - Quan hệ Nga - Đức là biểu hiện sinh động cho quan hệ quốc tế giai đoạn hiện nay: luôn trong thế “cài răng lược”, diễn tiến quan hệ trong bối cảnh đan xen và chuyển hóa giữa đối tượng và đối tác. Mới đây, sau Lễ kỷ niệm 70 năm Nga chiến thắng phát xít, Thủ tướng Đức đã đến Nga. Hành động của bà Angela Merkel thực sự đã làm cho quan hệ hợp tác Nga - Đức thêm phần sinh động, tươi mới.

Chỉ một ngày sau khi Nga tổ chức trọng thể kỷ niệm 70 Chiến thắng phát xít, chiến thắng chấm dứt cuộc Đại chiến thế giới thứ hai và đặt dấu chấm hết cho bản ai điếu của chủ nghĩa phát xít, thì Thủ tướng Đức có mặt tại Nga và có cuộc gặp với Putin vào ngày 10/5. Tại đây, vị nữ Thủ tướng này đã cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tới đặt vòng hoa tại mộ Chiến sỹ vô danh và có cuộc làm việc với người đồng cấp tại Nga. Điều này đã khiến cho Tổng thống Putin - người duy dụng triết lý “trái tim nóng và cái đầu lạnh” đã hết sức phấn chấn. Khi bà Marlkel bỏ qua những bất đồng để thăm Nga, ông Putin cũng không tiếc lời ghi nhận: “Tôi muốn cảm ơn Thủ tướng vì đã đến Moscow để bày tỏ lòng kính trọng với những người đã hy sinh trong Thế chiến II và trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại chống chủ nghĩa phát-xít”.
 
Điều này sẽ không mấy thú vị, nếu trước đó, cuối năm 2014 quan hệ Nga – Đức đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Chính Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một bài phát biểu tại Australia, đã cảnh báo rằng, nếu các nước không ngăn chặn chính sách của Nga ở Ukraina, Tổng thống Putin có thể gây bất ổn cho “trật tự hòa bình của toàn châu Âu”. Thậm chí bà Markel còn thách đố: “Tôi tin rằng  Putin sẽ không thành công. Cuối cùng, phương Tây sẽ giành chiến thắng trước các thách thức từ Nga, ngay cả khi con đường dài đầy khó khăn”. 
 
images1164452_putin_merkel_1.jpgTổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel sau lễ đặt vòng hoa tại Tượng đài Chiến sỹ Vô danh. Nguồn: sputnik
 
Thực tế trước đó Đức luôn được xem là “cầu nối” giữa Nga với EU, xa hơn nữa là giữa Nga với phương Tây. Trong mối quan hệ “không đội trời chung” giữa Nga và phương Tây đã hàng trăm năm nay, Đức đã nhiều lần được lịch sử lựa chọn là  “giải pháp” tháo gỡ những căng thẳng giữa hai bên. Cho đến nay, điều thú vị mà nhiều người vẫn chưa lý giải thấu đáo là ngay cả trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, người Nga vẫn đặt ống dẫn dầu khí đến Đức. Vậy mà khi xuất hiện những vấn đề căng thẳng và xung đột tại Ukraina, thì sự rạn nứt trong quan hệ Nga - Đức đã đến mức trầm trọng.
 
Hiện nay, tồn tại lớn nhất giữa Nga và phương Tây chính là vấn đề giải quyết tình hình Ukraina. Ukraina thực sự là một tử địa khiến nhiều nước lún sâu vào khó khăn khủng hoảng, được ví là “thùng thuốc nổ” của thế giới và thậm chí có lúc đã tiến gần đến nguy cơ bùng nổ một đại chiến thế giới. Ngay trong lúc này, Tổng thống Đức Angela Markel lại lãnh nhận sứ mệnh xuất hiện tại Nga với tư cách tìm kiếm tiếng nói chung, gặp gỡ để tháo gỡ. Và bản thân ông Putin cũng rất chờ đợi ở điều này: “Hiện đã rõ là còn tồn tại một số vấn đề. Càng sớm chấm dứt được tác động tiêu cực của những vấn đề này cùng với sự phát triển quan hệ thì càng tốt” – ông Putin phát biểu. Còn trợ lý của Putin, ông Yuri Ushakov, thì nói rõ: “Trung tâm của chương trình nghị sự lần này là về giải quyết khủng hoảng Ukraina”. 
 
Giải quyết khủng hoảng Ukraina cũng chính là cởi nút thắt để khôi phục lại quan hệ Nga – Ukraina. Điều này rất quan trọng, bởi chính sách đối ngoại và kinh tế của Tổng thống Putin luôn coi Đức là một đồng minh, một đối tác quan trọng trong thương mại. Và Nga cũng luôn là một phần không thể thiếu trong các chính sách thương mại dịch vụ của Đức. Cụ thể là Nga tạo ra thị trường lao động cho khoảng 300.000 người Đức, 14% sản phẩm mà người Nga nhập khẩu được sản xuất tại Đức. Và Đức cũng là một trong những “con nghiện dầu khí” của Nga với  1/3 lượng dầu và khí đốt nhập khẩu của Đức là từ Nga. Khôi phục lại mối quan hệ này là cần thiết và đúng lúc, bởi hậu quả của những căng thẳng đều làm tổn hại trực tiếp đến các bên cùng liên quan, nhưng lại đang tạo ra cơ hội cho vô số những nước khác đứng sau, đứng bên ngoài. Không nghĩ đến vấn đề này sớm, hậu họa sẽ còn kinh khủng hơn nhiều lần.
 
Một điều đáng suy nghĩ là trong khi Nga - Đức có cuộc gặp gỡ để tìm kiếm con đường khôi phục lại quan hệ, thì cùng ngày (10/5), Tổng thống Djibouti (Cộng hòa Gi-bu-ti, nằm ở Đông Châu Phi) Ismail Omar Guelleh cho biết Trung Quốc đang đàm phán bố trí một căn cứ quân sự tại cảng chiến lược Djibout. Với sự việc này, nhiều cơ quan thông tấn báo chí đang cho rằng Trung Quốc bao vây căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ ở châu Phi. Và thời gian Ukraina, châu Âu cũng như phương Tây rời xa Nga thì Nga đã tiến gần hơn với Trung Quốc bằng những hợp đồng chuyển nhượng vũ khí tối tân ngày một nới rộng.
 
Với viễn cảnh không mấy tốt đẹp nếu cứ kéo dài như vậy, chắc hẳn chấm dứt khủng hoảng và khôi phục quan hệ là ý muốn xuất phát từ cả các bên liên quan. Vì thế, vấn đề khôi phục quan hệ Nga – Đức chắc sẽ chỉ còn là thời gian. Danh nhân người Đức Johann Wolfgang von Goethe (28/8/1749 – 23/2/1832) từng viết “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”, có vẻ như bà Merkel đã mang theo cả triết lý ấy trong chuyến thăm Nga lần này. Bởi lẽ, chỉ có khôi phục lại quan hệ tốt đẹp mới đảm bảo tốt đẹp nhất quan hệ lợi ích giữa Nga và Đức!
 
Chí Linh Sơn