Nga dọa đáp trả Israel sau khi trinh sát cơ bị bắn nhầm ở Syria

782200-7130-1537260357.jpgPhát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov. Ảnh: Sputnik.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 18/9 xác nhận chiếc trinh sát cơ Il-20 chở 15 thành viên phi hành đoàn của nước này đã bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ do nhầm lẫn, nhưng khẳng định Israel phải chịu trách nhiệm về sự cố này và Nga sẽ "có biện pháp đáp trả tương xứng", theo Reuters.

"Phi công Israel đã lợi dụng trinh sát cơ Nga như một bình phong để giấu mình và khiến nó bị nhắm vào bởi lực lượng phòng không Syria. Hậu quả là chiếc Il-20, vốn có tiết diện radar lớn hơn nhiều so với F-16, đã bị bắn rơi bởi một quả tên lửa S-200", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga mô tả về hành động "thù địch và khiêu khích" của tiêm kích Israel.

"15 quân nhân Nga đã thiệt mạng do hành động vô trách nhiệm của quân đội Israel. Điều này hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của mối quan hệ đối tác giữa hai nước", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố.

Hội nghị liên Triều kết thúc ngày hội đàm thứ nhất với tín hiệu lạc quan

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) tiến hành cuộc hội đàm thượng đỉnh lần thứ 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Trụ sở Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Chiều 18/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bước vào phần hội đàm chính thức đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 giữa hai ông.

Theo thông cáo từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, cuộc hội đàm kín giữa ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in, bắt đầu lúc 15 giờ 45 phút (13h45’ theo giờ Hà Nội) tại phòng họp kín ở Trụ sở Ban chấp hành Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên, kết thúc lúc 17 giờ 45 phút và được tiếp nối bằng hàng loạt cuộc gặp giữa giới chức cấp cao hai nước.

Tại cuộc gặp được cả thế giới quan tâm này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố ông mong đợi đạt được tiến triển trong đàm phán phi hạt nhân với Mỹ, một quá trình giúp bình ổn khu vực. Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đánh giá “mùa Xuân Panmumjom đã dẫn lối thành công tới mùa Thu Bình Nhưỡng… Và giờ là thời điểm để hái quả ngọt” trong quan hệ liên Triều. Ông Moon Jae-in hối thúc nỗ lực để hội nghị thượng đỉnh đạt được tiến triển.

Syria hoan nghênh thỏa thuận thiết lập khu phi quân sự ở Idlib

Cảnh đổ nát sau các vụ tấn công tại Idlib. Nguồn: AFP

Chính phủ Syria ngày 18/9 đã hoan nghênh một thỏa thuận đạt được giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trước đó 1 ngày nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự tại khu vực Idlib ở miền Bắc Syria.

Truyền thông nhà nước Syria dẫn một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh rằng Damascus "hoan nghênh thỏa thuận về tỉnh Idlib"-vốn là thành trì quan trọng cuối cùng của phe nổi dậy tại quốc gia xung đột này. Nguồn tin này nêu rõ: "Cộng hòa Arab Syria hoan nghênh thỏa thuận Idlib được công bố ngày 17/9 tại thành phố Sochi và nhấn mạnh rằng thỏa thuận này là kết quả của các cuộc tham vấn chuyên sâu giữa Syria và Nga, điều phối các hành động của hai nước." Theo nguồn tin này, chính quyền Syria quyết tâm giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi khủng bố thông qua các chiến dịch quân sự hoặc thỏa thuận ngừng bắn.

Quyết từ chức, Bộ trưởng Nội vụ Pháp 'giáng đòn mạnh' đối với Tổng thống Macron

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb (trái) và Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: lemonde.fr

Ngày 18/9, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb tuyên bố sẽ từ chức vào năm 2019 để chạy đua vào chức Thị trưởng thành phố Lyon, một cương vị ông từng nắm giữ. Động thái này được xem là một đòn giáng mạnh đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trả lời tạp chí L'Express, ông Collomb cho biết sẽ tranh cử chức thị trưởng thành phố miền Đông nước Pháp này vào năm 2020, và sẽ từ chức Bộ trưởng Nội vụ sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm tới để bắt đầu chiến dịch tranh cử. Ông Collomb nêu rõ: "Tôi sẽ không làm Bộ trưởng Nội vụ cho đến tận phút cuối. Sau một khoảng thời gian tốt hơn là nên hoàn toàn dành thời gian cho chiến dịch tranh cử". Ông Gerard Collomb, 71 tuổi, từng giữ chức Thị trưởng Lyong trong 16 năm cho đến khi Tổng thống Macron bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Nội vụ. 

Mỹ xếp gần cuối trong bảng xếp hạng về cam kết phát triển toàn cầu

Ảnh minh hoạn: Huffingtonpost.com

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), một viện nghiên cứu về giảm đói nghèo, Mỹ xếp gần cuối bảng xếp hạng các quốc gia có những cam kết tốt nhất đối với sự phát triển trên toàn cầu. 

Bảng xếp hạng trên cho thấy Thụy Điển đã vượt Đan Mạch để vươn lên vị trí số một, trong khi Mỹ xếp vị trí thứ 23 trong tổng số 27 cường quốc được khảo sát và Pháp cũng bị tụt ba bậc xuống vị trí thứ bảy. Bốn quốc gia đang đứng cuối bảng xếp hạng là Nhật Bản, Ba Lan, Hy Lạp và Hàn Quốc. 

CGD cho biết việc xếp hạng được đánh giá dựa trên mức đóng góp của các quốc gia trên nhiều lĩnh vực như viện trợ, công nghệ, tài chính, thương mại và di dân. 

Myanmar, Thái Lan siết chặt an ninh biên giới vì 30 tù nhân vượt ngục

Cảnh sát Myanmar đang truy tìm hơn 30 tù nhân vượt ngục. Ảnh: Reuters

Một quan chức của Myanmar hôm qua 17/9 cho biết nhiều tù nhân đã tấn công và cướp một xe chở rác, sau đó sử dụng chiếc xe này để phá cửa nhà tù Hpa-An ở bang Karen trước khi chạy ra ngoài, theo AFP. Khoảng 10 tù nhân trong nhóm vượt ngục đã bị cảnh sát truy bắt được nhưng khoảng 30 người còn lại vẫn đang lẩn trốn trong các ngôi làng gần biên giới với Thái Lan, khiến dân chúng lo lắng.

Trong khi đó, tờ Bangkok Post cho hay quân đội và cảnh sát biên giới Thái Lan cũng tăng cường ở khu vực biên giới với Myanmar và giám sát chặt chẽ nhằm chặn bắt những kẻ vượt ngục. Theo tờ báo này, cảnh sát Myanmar đã bắt được 14 người, trong đó có 2 người bị bắt chết trong lúc bị truy đuổi.

Israel tiếp nhận hơn 1.000 người nhập cư Ethiopia gốc Do Thái

Thông báo của Văn phòng thủ tướng Israel cho biết, Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 17/9 đã quyết định cho phép 1.000 người Ethiopia nhập cư vào nước này, động thái tiếp nhận hiếm thấy đối với cộng đồng Falashmura. 

Cộng đồng Falashmura tại Ethiopia tuyên bố họ chính là hậu duệ của những người Do Thái và hầu hết trong số họ buộc phải cải đạo sang Cơ đốc giáo trong thế kỷ 19, song vẫn duy trì gắn kết chặt chẽ với truyền thống Do Thái. Họ đã đấu tranh từ lâu cho quyền được định cư tại Israel cho dù không được nhà nước Do Thái công nhận. Tổ chức phi chính phủ đại diện cho những người Ethiopia gốc Do Thái từng kêu gọi Thủ tướng Netanyahu trao cho những người này quyền được nhập cư.