Quân đội Nga triển khai tàu nghiên cứu hải dương mới nhất của nước này để hỗ trợ quá trình tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan mất tích.

images2067929_yantar_3076_1511445257.jpgTàu Yantar trong quá trình hoạt động. Ảnh minh họa: TASS

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay điều tàu nghiên cứu hải dương Yantar tới vùng nam Đại Tây Dương để hỗ trợ công tác tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan của hải quân Argentina đang mất tích. Tàu Yantar được biên chế cho Hạm đội Biển Bắc hồi năm 2015, là tàu thăm dò hiện đại nhất của Nga và được trang bị hai thiết bị lặn tự hành với khả năng hoạt động ở độ sâu tới 6.000 m, TASS đưa tin.

Trước đó,Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi điện cho Tổng thống Argentina Mauricio Macriđể đề nghị triển khai tàu khảo sát và thủy thủ có kinh nghiệm thực hiện các chiến dịch tương tự. Điện Kremlin thông báo ông Putin đã động viên ông Macri, hai lãnh đạo nhất trí các Bộ Quốc phòng sẽ duy trì liên lạc về vấn đề này.

Phát ngôn viên hải quân Argentina Enrique Balbi cho biết cuộc tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan mất tích đang bước vào giai đoạn cấp bách, do tàu có thể hết oxy trong ngày 22/11.Lần liên lạc cuối cùng của tàu San Juan diễn ra trước đó 7 ngày, khi nó ở vịnh San Jorge, nằm giữa hành trình kéo dài hàng trăm km từ căn cứ Tierra del Fuego miền nam Argentina đến thành phố Mar del Plata phía đông bắc.

Hải quân Argentina cho biết thuyền trưởng tàu ngầm báo cáo hệ thống ắc quy gặp "sự cố" và xảy ra "chập điện" không lâu trước khi mất liên lạc.Giới chuyên gia nhận định lực lượng cứu hộ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức để tìm kiếm chiếc tàu ngầm, loại khí tài được thiết kế để ẩn mình dưới lòng biển và lẩn tránh mọi phương pháp định vị.

San Juan là một trong những tàu ngầm lớn nhất do Đức chế tạo sau Thế chiến II.

Hơn 4.000 người, gần 30 tàu và máy bay từ 12 nước, trong đó có Mỹ, Chile, Brazil và Anh, đang tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan trên khu vực rộng 500.000 km2 ngoài khơi vịnh San Jorge, miền trung Argentina. Giới chuyên gia cho rằng thứ cần dùng lúc này là thiết bị vẽ bản đồ đáy biển, tương tự hệ thống được sử dụng trong quá trình tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia mất tích hồi năm 2014.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN