Theo hãng thông tấn TASS ngày 20/9, Nga đã đề xuất Ukraine nối lại nguồn cung khí đốt trực tiếp bị gián đoạn từ tháng 11/2015. Đây là thông tin mà Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói với các phóng viên sau cuộc gặp ba bên về khí đốt với Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine.
“Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề đó. Chúng tôi đề xuất với các đồng nghiệp và đối tác rằng chúng tôi sẵn sàng cung cấp trực tiếp lượng khí đốt mà Ukraine hiện đang nhập khẩu từ các nước châu Âu. Điều này có thể đem lại hiệu quả và có lợi cho các đối tác châu Âu trong việc bảo đảm vận hành hệ thống vận chuyển khí đốt và khối lượng trung chuyển”, ông nói.
“Họ (phía Ukraine) đang cân nhắc đề xuất của chúng tôi. Họ đang xem xét cả việc giao hàng trực tiếp và vận chuyển ngược trở lại. Điều quan trọng là họ phải hiểu rõ khối lượng và các điều kiện về giá cả”, ông phát biểu.
“Chúng tôi hôm nay không thảo luận khối lượng cụ thể, vì chúng tôi cho rằng trước hết cần thống nhất về khung pháp lý. Còn về khối lượng cụ thể, đây là chủ đề của các cuộc đàm phán thương mại. Chúng sẽ phụ thuộc vào khối lượng nguồn cung khí đốt trực tiếp tới người tiêu dùng Ukraine”, Novak nói.
Bộ trưởng này nói thêm rằng, trong trường hợp quy định của châu Âu được đưa vào luật Ukraine, việc xác định ra khối lượng sẽ diễn ra phù hợp với quy định này, dựa trên hồ sơ nộp từ các công ty, bao gồm Gazprom.
Từ năm 2009, 2 hợp đồng giữa Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine bắt đầu có hiệu lực: một hợp đồng về nguồn cung khí đốt cho Ukraine và cái còn lại về trung chuyển khí đốt qua Ukraine tới châu Âu. Cả hai hợp đồng này đều hết hạn vào cuối năm 2019.
Năm 2012, Naftogaz đã ngừng nhận toàn bộ khối lượng khí đốt theo hợp đồng, và kể từ tháng 11/2015, Kiev không còn mua khí đốt của Nga, thay thế bằng việc mua khí đốt từ châu Âu. Đổi lại, Gazprom không cung cấp khối lượng khí đốt theo hợp đồng qua Ukraine. Năm 2014, Gazprom và Naftogaz bắt đầu kiện tụng về cả 2 hợp đồng trên.