Chính phủ Nga đang tính toán triển khai một “hạ tầng Internet độc lập” riêng cho các nước thành viên BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Theo đài RT (Nga), Hội đồng An ninh Quốc gia Nga đã yêu cầu chính phủ phát triển một hạ tầng Internet độc lập dành cho khối BRICS. Hệ thống này sẽ tiếp tục hoạt động trong trường hợp mạng Internet toàn cầu gặp trục trặc.
Sáng kiến này từng được thảo luận trong một cuộc họp hồi tháng 10 năm nay của Hội đồng An ninh Nga. Đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt hạn chót cho việc hoàn thành nhiệm vụ đó vào ngày 1/8/2018.
Trong khi thảo luận về sáng kiến này, các thành viên của Hội đồng an ninh cho rằng: "Việc các nước phương Tây tăng cường năng lực tiến hành các hoạt động tấn công trong lĩnh vực thông tin, cũng như tăng cường tính sẵn sàng thực thi những khả năng này đang bộc lộ một nguy cơ nghiêm trọng với an ninh nước Nga".
Theo đó Hội đồng An ninh quốc gia của Nga cho rằng, có thể giải quyết nguy cơ đó bằng cách tạo lập một hệ thống sao lưu độc lập của hệ thống Các máy chủ tên miền (DNS), và hệ thống được gọi là "Internet song song" này sẽ do các nước thành viên BRICS sử dụng.
Cùng bàn về vấn đề này, trang web công nghệ Bleeping Computer cho biết, từ lâu chính phủ các nước Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đã chỉ trích Mỹ vì việc thâu tóm quyền quyền soát với hệ thống DNS chính của mạng Internet toàn cầu, một động thái mà theo họ sẽ giúp Mỹ ngăn chặn hoặc can thiệp được vào lưu lượng Internet thế giới.
Năm ngoái Mỹ đã trao quyền kiểm soát hệ thống DNS cho ICANN, một tổ chức phi chính phủ hoạt động độc lập. Mặc dù hoan nghênh quyết định này, nhưng Nga và Trung Quốc vẫn muốn hệ thống DNS phải do Liên minh viễn thông quốc tế của LHQ kiểm soát chứ không phải một tổ chức phi chính phủ như ICANN.
Kiểm soát DNS có nghĩa là kiểm soát Internet
Với một hệ thống DNS sao lưu, mọi thành viên của BRICS có thể ngắt hệ thống DNS chính để chuyển sang hệ thống riêng của họ tại thời điểm xảy ra khủng hoảng.
Tuy nhiên theo Bleeping Computer, điều này cũng có nghĩa sẽ cho phép các nước thành viên BRICS có thể hạn chế việc truy cập vào bất cứ trang web nào nếu muốn trong trường hợp nước đó kích hoạt sử dụng hệ thống DNS riêng.
Đài PRI dẫn ý kiến ông Mitch Stoltz thuộc tổ chức Electronic Frontier Foundation cho rằng, với một hệ thống DNS độc lập, ngoài việc ngăn chặn người dùng truy cập vào những trang web chính quyền không mong muốn, các bên sử dụng hệ thống DNS riêng còn có thể tiến hành những cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống DNS toàn cầu mà không gây rủi ro cho họ và cũng không dễ bị phát hiện.
Tuy nhiên đây là một dự án khổng lồ, ông Stoltz phân tích: "Mọi máy tính, điện thoại và các thiết bị kết nối Internet trên thế giới sẽ phải cấu hình lại để có thể hoạt động tương thích với các máy chủ DNS riêng này".
Theo đó ông Stoltz cho rằng, để có một mạng Internet thực sự độc lập, chính phủ Nga sẽ phải "cấu hình lại mọi thiết bị có kết nối Internet bên trong nước Nga để có thể tương tác với hệ thống đó".