Nga có thể thiết lập căn cứ không quân tại Venezuela
Nga đang cân nhắc khả năng thiết lập căn cứ không quân chiến lược tại đảo Orchila thuộc Venezuela để đáp trả việc Mỹ khăng khăng rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhật báo Nezavisimaya Gazeta của Nga ngày 19/12 dẫn một số nguồn tin ngoại giao và quân sự cho hay.
Nga cho rằng việc rút khỏi hiệp ước INF sẽ cho phép Mỹ triển khai tên lửa hạt nhân đến châu Âu, đe dọa an ninh của mình. Đáp lại, Nga có thể triển khai lực lượng hạt nhân chiến lược đến Nam Mỹ, khu vực vốn được coi là sân sau của Mỹ, để răn đe.
Triều Tiên: Giải trừ hạt nhân phải bao gồm cả phía Mỹ
Lần đầu tiên truyền thông nhà nước Triều Tiên nói rõ quan điểm của nước này về tiến trình giải trừ hạt nhân, theo đó Bình Nhưỡng cho rằng tiến trình này cũng phải “loại bỏ đe dọa hạt nhân của Mỹ”.
Hãng tin Reuters dẫn lại quan điểm này trong bài xã luận được phát đi ngày 20/12 từ kênh truyền thông nhà nước Triều Tiên. Trong đó khẳng định Bình Nhưỡng cam kết tuân thủ "quá trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên", nhưng quá trình đó cũng phải bao gồm điều khoản "hoàn toàn xóa bỏ nguy cơ hạt nhân của Mỹ với Triều Tiên". Đây là một trong những sự giải thích rõ ràng nhất cho tới nay của Bình Nhưỡng về tiến trình giải trừ hạt nhân.
EU chuẩn bị kịch bản "ly hôn" không thỏa thuận với Anh
Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch dự phòng để bảo vệ các lĩnh vực thương mại, giao thông và tài chính trong trường hợp Anh rời khỏi EU (Brexit) mà không đạt được thỏa thuận nào trong vòng 100 ngày tới.
Theo đó, một số điểm đáng lưu ý là: Các chuyến bay từ Anh đến và qua vùng trời EU sẽ được đảm bảo "liên lạc cơ bản" 12 tháng; Xe tải vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ vào EU sẽ không cần giấy phép trong 9 tháng; Các quy định về dịch vụ tài chính của Anh, trong một số lĩnh vực hạn chế như giao dịch phái sinh, sẽ được công nhận có giá trị tương đương với EU trong một hoặc hai năm...
Mỹ "hé cửa" để Iraq tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Iran
-
Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN
Một nguồn tin Chính phủ Mỹ ngày 20/12 cho biết trong cuộc đàm phán với quan chức Mỹ tại Washington về các biện pháp trừng phạt Iran, phái đoàn quan chức Iraq đã đàm phán được một lệnh gia hạn miễn trừ trong 90 ngày, theo đó Iraq có thể tiếp tục mua điện và khí đốt của Iran. Trong thời gian được miễn trừ, Iraq dự kiến sẽ lên một kế hoạch để có thể không bị phụ thuộc vào nguồn cung ứng năng lượng của quốc gia láng giềng.
Iraq đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, khiến nhiều hộ gia đình phải sống trong cảnh không có điện tới 20 giờ/ngày. Thiếu điện sinh hoạt cũng là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng biểu tình quy mô lớn ở nước này trong mùa Hè vừa qua.
Anh tiếp tục chống IS sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria
Tuyên bố của chính phủ Anh được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng Twitter rằng Mỹ đã đánh bại IS ở Syria, ám chỉ việc rút quân như ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử. Phát ngôn viên Nhà Trắng sau đó xác nhận Washington đã bắt đầu đưa binh lính về nước. Một quan chức giấu tên tiết lộ tất cả nhân viên ngoại giao Mỹ sẽ được sơ tán khỏi Syria trong vòng 24 giờ.
Thứ trưởng Quốc phòng Anh Tobias Ellwood chia sẻ bài đăng Twitter của Trump cùng với bình luận: "Tôi hoàn toàn không đồng ý. IS đã biến thành những hình thức cực đoan khác và mối đe dọa vẫn còn rất nhiều".
Sudan ban bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố Atbara
Chính quyền bang Nahr al-Neel, miền Bắc Sudan ngày 19/12 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Atbara - thành phố lớn nhất của bang này, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm khi bạo loạn bùng phát do biểu tình lan rộng tại đây. Toàn bộ các trường tiểu học và trung học cơ sở đều tạm thời đóng cửa, thời gian giới nghiêm áp dụng từ 18 giờ hôm trước tới 6 giờ hôm sau. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các cơ sở dịch vụ công cộng.
Các cuộc biểu tình ở Atbara phản đối giá cả sinh hoạt tăng cao ban đầu diễn ra ôn hòa, song nhiều phần tử quá khích sau đó đã đốt phá trụ sở đảng cầm quyền, văn phòng chính quyền địa phương... Đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc (NCP) Sudan đã lên án đây là hành động "phá hoại an ninh và gây bất ổn".
50.000 tài xế Hàn Quốc đình công phản đối ứng dụng gọi xe giống Uber
Hàng chục ngàn tài xế taxi Hàn Quốc đã đồng loạt đình công trong ngày 20-12 để phản đối ứng dụng gọi xe Kakao Mobility giống như Uber do công ty Kakao (sở hữu Kakao Talk) dự kiến triển khai.
Theo hãng tin AFP, cuộc đình công đã gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại thủ đô Seoul. Ước tính khoảng 50.000 tài xế taxi đeo băng đỏ trên đầu, mang theo băng rôn, khẩu hiệu tuần hành bên ngoài tòa nhà quốc hội Hàn Quốc, kêu gọi chính phủ ra lệnh cấm ứng dụng gọi xe của hãng Kakao.