(Baonghean) - Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục lên kế hoạch trừng phạt Nga sau khi Moscow tiếp nhận bán đảo Crimea ở miền nam Ukraine. Một trong những biện pháp trừng phạt gây chú ý nhiều hơn cả là việc lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới quyết định chấm dứt vai trò của Nga tại nhóm các cường quốc công nghiệp G8 và giờ G8 chỉ còn là G7, giống như trước năm 1999. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng trong quan hệ quốc tế và sẽ có những ảnh hưởng khó lường đến trật tự thế giới.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tại La Hay (Hà Lan), Tổng thống Mỹ Barak Obama đã chủ trì một hội nghị không chính thức Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italy, Nhật Bản và Canada để bàn về các biện pháp trừng phạt Nga sau việc Nga sáp nhập Crimea. Nội dung chính được đưa ra tại hội nghị này là nhóm G7 quyết định hoãn tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G8 (gồm các nước G7 và Nga) sắp tới tại Sochi (Nga), thay vào đó là một hội nghị được tổ chức tại Brussel của Bỉ mà không có Nga. Điều này đồng nghĩa với việc Nga bị loại khỏi nhóm các cường quốc công nghiệp G8. Đây là đòn đáp trả trực tiếp mới nhất từ các nước phương Tây mà theo lý giải của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy thì đây là biện pháp trừng phạt việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Theo giới phân tích, biện pháp cứng rắn và những lời đe dọa của phương Tây được đưa ra nhằm ngăn cản điều mà họ lo ngại rằng Nga có thể có những “bước tiến xa hơn nữa” vào Ukraine, đặc biệt là khu vực miền Đông, nơi có nhiều người gốc Nga và nói tiếng Nga. Còn trên thực tế, vấn đề Crimea có thể được xem là “việc đã rồi”. Hiện phương Tây tỏ ra lo ngại về làn sóng li khai ở miền Đông Ukraine, vì tại một số tỉnh thành ở khu vực này đang có những cuộc vận động trưng cầu ý dân về quy chế tự trị.
Trước “đòn trừng phạt” này của phương Tây, phía Nga tỏ ra “bình tĩnh” và không coi việc này là một vấn đề lớn bởi theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, G8 là một câu lạc bộ không chính thức, không nước nào có quyền trao vé gia nhập hoặc đuổi bất kỳ nước nào ra khỏi nhóm. Phía Nga cũng cho rằng: Nga rời khỏi G8 thì diễn đàn kinh tế hàng đầu thế giới này coi như chẳng còn ý nghĩa gì. Có thể thấy, mỗi bên đều đưa ra cái lý của mình song rõ ràng động thái vừa qua của Mỹ và phương Tây sẽ có tác động tiêu cực tới các bên.
Với các nước nằm trong nhóm G7 – uy tín và sức mạnh của nhóm sẽ có phần sụt giảm sau việc cô lập Nga đặc biệt trong bối cảnh vai trò quốc tế của nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đang ngày một nổi bật. G8 được thành lập với tư tưởng chủ đạo là hình thành một diễn đàn dành cho cuộc đàm phán giữa các nước hàng đầu phương Tây và Nga để giải quyết những nút thắt trong phát triển kinh tế và công nghiệp thế giới. Khi Nga chính thức trở thành thành viên thứ 8 của nhóm, nhiều nhà bình luận cho rằng, nhóm 7 nước bắt tay cùng Nga một phần do tiềm năng kinh tế, tài nguyên và kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga, có được từ thời Liên Xô để lại.
Vì thế, rõ ràng Nga có vị thế không nhỏ trong nhóm các nền kinh tế hàng đầu này. Với quyết định cô lập Nga, trước mắt, G7 chắc chắn sẽ phải tìm cách giảm sự phụ thuộc năng lượng từ Moscow. Xa hơn nữa, mối quan hệ giữa Nga với phương Tây vốn nhiều trắc trở sau thời chiến tranh lạnh sẽ càng khó có cơ hội hàn gắn. Việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa Mỹ, phương Tây và Nga trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là cần sự ủng hộ của Nga sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Đối với Nga, mặc dù tuyên bố việc bị loại khỏi nhóm G8 là vấn đề không có gì lớn song thực tế điều này cũng khiến Nga đối mặt với những thách thức, trong đó có việc tìm kiếm các đối tác mới. Các quốc gia nằm trong nhóm G7 cũng là những đối tác lớn của Nga trong nhiều năm qua. Sự việc lần này chắc chắn sẽ khiến giới đầu tư giảm niềm tin vào thị trường Nga. Thực tế cho thấy, chứng khoán Nga thời gian gần đây có những lúc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Giới đầu tư rút vốn mạnh khỏi đây. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's đã hạ triển vọng tín nhiệm của Nga xuống “tiêu cực”, từ mức “ổn định”, do lo ngại về những ảnh hưởng đối với nền kinh tế này từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Suy cho cùng, G8 hay G7 đều là sự hợp tác trong một diễn đàn của những nền kinh tế hàng đầu có tiếng nói quan trọng quyết định nhiều vấn đề kinh tế, chính trị thế giới. Chính vì thế, sự gắn kết hay chia rẽ giữa các thành viên có ý nghĩa quan trọng đối với bầu không khí chính trị quốc tế. Việc một thành viên của nhóm G8 bị loại khỏi “cuộc chơi” là điều chưa từng có tiền lệ kể từ khi các nước lớn sát lại gần nhau trong một diễn đàn nhằm chống lại một “kẻ thù” chung là khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Và điều dễ nhận ra là trật tự thế giới đã có sự xáo trộn. Nguyên tắc hợp tác cùng giải quyết các thách thức chung dường như đang bị phá vỡ. Và điều này không hề có lợi cho một thế giới cần sự hợp tác, chia sẻ và gánh vác trách nhiệm chung như hiện nay.
Thanh Huyền