Theo Đại sứ Matsegora, động thái trục xuất này sẽ có tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Nga, đặc biệt ở vùng Viễn Đông - nơi có khoảng 12.000 công nhân Triều Tiên làm việc. Tuy nhiên, đối với những người Triều Tiên chưa muốn về nước, giới chức Nga sẽ không sử dụng vũ lực để trục xuất họ. Ông Matsegora cũng phủ nhận các thông tin cho rằng lao động Triều Tiên tại Nga phải sống trong điều kiện kham khổ.
“Chúng tôi không muốn ép bất kỳ ai về Triều Tiên bằng vũ lực. Chúng tôi không bao giờ làm như vậy”, Đại sứ Nga khẳng định.
Đại sứ Matsegora cho biết mỗi năm Nga cấp 15.000 thị thực cho công dân Triều Tiên, trong đó 90% là thị thực làm việc ngắn hạn. Ông ước tính hiện có khoảng 35.000 lao động Triều Tiên làm việc tại Nga, chủ yếu trong các ngành xây dựng, nông nghiệp, nghề cá.
Theo Đại sứ Matsegora, lao động Triều Tiên được nhận mức lương ngang bằng với lao động Nga và lương của một người có thể nuôi sống “13 thành viên trong gia đình”. Ngoài ra, ông Matsegora cũng tiết lộ rằng công dân Triều Tiên thường phải gửi một nửa số lương họ kiếm được về nước.
Liên Hợp quốc ước tính có khoảng 100.000 người lao động Triều Tiên ở nước ngoài và lực lượng này sẽ gửi khoảng 500 triệu USD về nước mỗi năm. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính phủ Triều Tiên sẽ thu từ 70-90% thu nhập hàng tháng (khoảng từ 300-1.000 USD) của các lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Hai quốc gia có số lượng công dân Triều Tiên làm việc nhiều nhất hiện nay là Nga và Trung Quốc.